Từ 1.8, khi điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau mà người điều khiển phương tiện không có tín hiệu báo hướng rẽ thì cũng không bị xử phạt - Ảnh minh họa |
Mô tả rõ hành vi vi phạm luật giao thông
Cụ thể, Điểm c, Khoản 3, Điều 4 và Điểm a, Khoản 4, Điều 6 quy định hành vi vi phạm của người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy: chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không có tín hiệu báo hướng rẽ (trừ trường hợp điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau cùng mức). Quy định này giải thích cho người dân hiểu rõ, khi điều khiển xe đi theo hướng cong của đoạn đường bộ ở nơi đường không giao nhau mà người điều khiển phương tiện không có tín hiệu báo hướng rẽ thì cũng không bị xử phạt.
Như vậy, trên địa bàn TP.HCM tại một số đường cua phải không có đường cắt ngang như: đường Xa lộ Hà Nội (đoạn khu công nghệ cao, Q.9), đường Phổ Quang (quận Tân Bình),... người dân khi ôm cua phải theo hướng cong của đường có thể không bật đèn xi-nhan.
Điểm g, Khoản 3, Điều 5; Điểm c, Khoản 2, Điều 6 và Điểm e, Khoản 3, Điều 7 giải thích cho người dân hiểu rõ về khoảng thời gian, thời điểm bắt buộc người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, máy kéo, xe máy chuyên dùng phải sử dụng đèn chiếu sáng là từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau và khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
Gộp chung hành vi vi phạm “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” và hành vi vi phạm “khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng” của người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn mày, máy kéo, xe máy chuyên dùng lại thành một hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”.
Bổ sung mức xử phạt với 45 hành vi mới
Nghị định số 46/2016/NĐ-CP bổ sung quy định xử phạt đối với 45 hành vi và nhóm hành vi vi phạm chưa được quy định trong Nghị định hiện hành để đáp ứng với yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô là các hành vi:
- Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường bị phạt tiền từ 600.000 – 800.000 đồng (áp dụng từ 1.7.2017);
- Điều khiển xe đi qua dải phân cách cứng ở giữa hai phần đường xe chạy; điều khiển xe đi trên hè phố (trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà) phạt tiền từ 800.000 – 1.200.000 đồng, tước GPLX từ 01 – 03 tháng;
- Chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy (Việc áp dụng quy định này trong trường hợp người được chở ở hàng ghế phía sau trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy được thực hiện kể từ ngày 1.1.2018).
Ngoài ra, Nghị định số 46 cũng bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng thực hiện hành vi: lùi xe ở đường có biển “Cấm đi ngược chiều”. Bổ sung quy định xử phạt đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi: cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Bổ sung quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô, xe mô tô: có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận