Nhiều thương hiệu xe sang, siêu xe chỉ có một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của khách hàng. Vụ việc chiếc siêu xe Ferrari bị tai nạn mới đây là một minh chứng về điều này.
Chiếc siêu xe bị tai nạn ngày 21/7/2022 và được kéo về bãi trước cửa Volvo Hà Nội
Cơ sở bảo dưỡng chính hãng thuê dịch vụ ngoài
Trực tiếp đến trụ sở Báo Giao thông để phản ánh sự việc chiếc siêu xe trị giá 18 tỷ đồng bị thợ sửa xe đâm hỏng ngày 21/7/2022 tại quận Long Biên (Hà Nội), chủ xe Ferrari 488 tên H. bày tỏ sự thất vọng về việc đùn đẩy trách nhiệm của đại lý chính hãng Ferrari Việt Nam và những cá nhân làm việc cho đại lý Volvo Hà Nội, nơi mà Ferrari đi nhờ sửa giúp chiếc xe.
Những chứng cứ mà chủ nhân chiếc xe Ferrari 488 nói trên cung cấp và qua bản tường trình của kỹ sư nhận sửa chiếc xe cho thấy, đại lý chính hãng Ferrari Việt Nam đã không đáp ứng được sự uỷ thác của Ferrari toàn cầu là thực hiện bảo dưỡng tất cả các mẫu xe Ferrari đang có mặt trên lãnh thổ Việt Nam.
Do chiếc xe ở Hà Nội trong khi cơ sở bảo dưỡng chính hãng ở TP. HCM nên đơn vị này sau khi tiếp nhận yêu cầu sửa xe đã “nhờ” kỹ sư bên ngoài thực hiện việc thay thế phụ tùng.
Đáng nói, sau khi vụ tai nạn xảy ra, Ferrari Việt Nam lại tỏ ra vô can khi cho rằng chỉ cung cấp phụ tùng chứ không thực hiện việc bảo dưỡng.
PGS. TS. Bùi Thị An, Ủy viên Ban chấp hành Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận định: “Về nguyên tắc, xe còn trong thời hạn bảo hành bảo dưỡng thì nhà phân phối (đại lý chính hãng) phải có trách nhiệm đến cùng về chất lượng xe. Việc đại lý phối hợp với ai trên lãnh thổ Việt Nam để sửa chữa bảo dưỡng xe thì trách nhiệm cuối cùng phải thuộc về đại lý chính hãng”.
Theo chủ nhân chiếc xe Ferrari 488, do cơ sở bảo dưỡng ở TP.HCM nên năm trước anh phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí hơn 12 triệu đồng để chở chiếc xe từ Hà Nội vào bảo hành.
Thực tế việc các thương hiệu xe sang, siêu xe chỉ có một đến hai cơ sở bảo dưỡng không phải hiếm. Anh Trần Minh Đức (Đà Nẵng), chủ nhân chiếc Range Rover Evoque Convertible đời 2017 từng cho biết, Đà Nẵng có lượng xe Range Rover khá nhiều nhưng mỗi lần thay thế, bảo dưỡng rất cực vì phải mang xe vào tận TP.HCM trong khi đưa xe ra ngoài sửa chữa không yên tâm và e ngại phụ tùng không chuẩn.
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các thương hiệu xe sang đang phân phối sản phẩm tại Việt Nam như: Porsche (Porsche Việt Nam), McLaren và Lamborghini (S&S Automotive), Ferrari (Công ty TNHH Vina ASC Automotive)… chỉ có một cơ sở bảo dưỡng đạt chuẩn.
Một giám đốc garage tại đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên, Hà Nội) cho hay, ngay mặt tiền đường lớn khu vực này có 2 xưởng dịch vụ của một hãng xe Đức và một hãng xe Thụy Điển nằm kề nhau nhưng là nơi tề tựu của hàng tá thương hiệu xe sang như: Rolls-Royce, Bentley, Lamborghini nườm nượp ra vào bảo dưỡng.
Điều này cho thấy nhiều thương hiệu xe sang đang phải đi nhờ xưởng dịch vụ của hãng xe khác.
Có nên quy định số lượng cơ sở bảo hành, bảo dưỡng?
Siêu xe Ferrrari 488 được đưa đến xưởng để thay dây cu-roa 10 ngày trước khi bị tai nạn
Ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho biết, theo Nghị định 116, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp và nhập khẩu ô tô tại Việt Nam phải có cơ sở bảo hành bảo dưỡng đạt chuẩn, được cấp giấy chứng nhận.
Nghĩa là trên lãnh thổ Việt Nam doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu phải có cơ sở chính hãng, đủ điều kiện xử lý vấn đề lớn nhất của một chiếc xe khi xảy ra sự cố.
Tuy nhiên, một số hãng chỉ có 1 – 2 cơ sở bảo dưỡng đạt chuẩn.
Về ý kiến có nên đề xuất quy định số lượng tối thiểu cơ sở bảo hành bảo dưỡng đối với các doanh nghiệp kinh doanh, nhập khẩu ô tô, ông Hà cho biết, hiện nay số lượng cơ sở bảo hành bảo dưỡng hoàn toàn do nhu cầu của doanh nghiệp, chưa có quy định cứng về số lượng. Bởi thực tế nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kém thì sẽ không bán được hàng.
Theo PGS. T.S Đàm Hoàng Phúc, Phó trưởng bộ môn Ô tô và Xe chuyên dụng (Đại học Bách Khoa Hà Nội), dù có thể không bắt buộc các hãng xe phải có nhiều cơ sở bảo hành, bảo dưỡng vì có thể hãng sẽ giải quyết vấn đề bằng cách trực tiếp làm hoặc uỷ quyền cho đơn vị nào đó đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hay của hãng.
Tuy nhiên, quan trọng là doanh nghiệp đó phải quản lý được chất lượng và chịu trách nhiệm về dịch vụ uỷ nhiệm của mình.
“Nếu không mở được một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng thì hãng xe đó phải uỷ quyền cho một đơn vị nào đó để xử lý các vấn đề liên quan đến xe. Tuy nhiên hãng vẫn phải là người kiểm soát chất lượng ở cơ sở đó, hướng dẫn khách hàng”, PGS. TS. Phúc nói thêm.
Một cán bộ trong lĩnh vực đăng kiểm chia sẻ, thực ra tất cả các nhà sản xuất, nhập khẩu đều có hệ thống đại lý, đáp ứng tiêu chuẩn của hãng về nhu cầu bảo hành bảo dưỡng.
Tuy nhiên, nhiều hãng chỉ có một đến hai cơ sở được cấp giấy chứng nhận theo Nghị định 116 song họ vẫn có nhiều đại lý thực hiện việc bảo hành bảo dưỡng theo tiêu chuẩn hãng.
“Còn về vụ việc Ferrari chỉ có 1 cơ sở bảo hành bảo dưỡng tại Việt Nam, nếu hãng toàn cầu yêu cầu Ferrari Việt Nam phải bảo hành toàn bộ sản phẩm Ferrari tại Việt Nam thì đương nhiên trách nhiệm là của Ferrari Việt Nam”, vị này cho biết.
Theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải đáp ứng điều kiện: “Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp…”.
Doanh nghiệp sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh khi không duy trì các điều kiện về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng quy định tại Nghị định này trong quá trình kinh doanh nhập khẩu ô tô.
Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đạt chuẩn phải đảm bảo có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận