Dịp Tết, nhiều chủ xe thường làm lễ cúng xe để cầu mong được an toàn khi di chuyển và may mắn trong kinh doanh.
Cầu an, cầu tài lộc…
Tục cúng xe không biết có từ bao giờ nhưng nó xuất phát từ mong muốn được bình an, may mắn trong quá trình sử dụng, kinh doanh xe. Ông Nguyễn Trung Dũng, giám đốc một trung tâm cho thuê xe tại Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: “Tôi cũng không biết tục cúng xe có từ bao giờ nhưng từ khi kinh doanh, kiếm tiền nhờ vào chiếc xe, thấy nhiều người mách tôi cũng làm theo. Không chỉ mồng 1 âm lịch hàng tháng, cuối năm tôi cũng chọn ngày đẹp để cúng xe, cầu mong năm mới lái xe an toàn, vạn sự như ý”.
Theo ông Dũng, hầu hết người có xe cho thuê hay kinh doanh vận tải đều cúng xe, thậm chí định kỳ hàng tháng. Người miền Nam, miền Trung cúng vào ngày mùng 2 và 16 hàng tháng. Còn người Bắc cúng xe vào mùng 1 và 15 âm lịch. Khi cúng xe, cần chuẩn bị các lễ vật như: tiền vàng, hoa quả, bánh kẹo, gà luộc,… và mời thầy tới nhà cúng. “Cúng xe như vậy chủ yếu là cúng cô hồn cát đản đừng bám theo xe gây tai nạn, rủi ro hoặc cản trở chuyện làm ăn của chủ nhân”, ông Dũng tâm sự.
Không giống với ông Dũng, Giám đốc một công ty kinh doanh vận tải hành khách tuyến Hà Nội - Lào Cai cho biết, công ty không có tục cúng xe nhưng mỗi khi đi lễ cuối năm và đầu năm mới tôi đều rất thành tâm đặt lễ, ghi đủ biển số rồi nhờ thầy cúng cầu cho những chiếc xe được an toàn trên các hành trình, đi đến nơi, về đến chốn và cả năm đông khách.
Ông Nguyễn Tiến Đại (Ba Vì, Hà Nội), người đã có trên 10 năm làm nghề tài xế taxi chia sẻ kinh nghiệm: “Bài cúng xe thông thường là bài cúng nôm, được cánh tài xế truyền tai nhau. Mỗi dịp cúng xe tài xế phải chuẩn bị thật chu đáo, xe phải rửa sạch sẽ, xì khô, đồ trong xe sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Trong lúc cúng phải thật thành tâm cầu mong một năm mới cả tài xế lẫn xe đều đi đến nơi về đến chốn, thượng lộ bình an trên mọi con đường”.
Cúng xe cần lễ vật gì?
Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình, Trung tâm tư vấn tâm lý Hoàng Nhân (Hà Nội) cho biết, cúng đầu xe thực chất là cúng trời phật, thần linh, tổ tiên, cầu mong bình an, tâm tịnh, đi đến nơi về đến chốn chứ không hề có vị thần linh nào tên là vị thần “đầu xe” để thờ cúng cả.
Ở góc nhìn tâm linh, bà Trần Thị Nhâm, một thầy cúng tại Vĩnh Phúc chia sẻ: “Cúng xe là để thần linh, tổ tiên về chứng giám, hộ trì cho họ ăn nên làm ra, tránh tai họa bất ngờ và gặp nhiều may mắn. Không chỉ những người kinh doanh vận tải mới cúng xe mà có cả những người mua xe mới”.
Theo bà Nhâm, việc cúng xe không có quy định nào bắt buộc cả, từ lễ vật cho tới thời gian cúng. Có người làm ăn quy mô lớn thì cúng lớn với những lễ vật đắt tiền, xa xỉ, cúng cả ở trước đầu xe ô tô lẫn trong nhà, làm một vài mâm cơm mời anh em bạn bè đến dự. Đa số lễ vật cúng gồm: gà luộc, lợn quay, xôi, gà luộc,… cùng đầy đủ hương hoa, tiền vàng kèm với trái cây. Bên cạnh đó, cũng có những chủ xe chỉ cúng đồ chay. Tuy nhiên, dù cúng xe thế nào nhưng cũng đều phải có muối, trà, nước lã, rượu trắng, tiền “âm phủ” và kèm theo hoa cúc hoặc huệ trắng.
“Thực ra, làm lễ cúng xe là tâm ở bản thân. Với mong muốn sẽ có một năm mới bình an khi sử dụng phương tiện. Ngoài việc cúng xe cuối năm có rất nhiều gia đình làm lễ cúng xe vào ngày rằm cũng như làm lễ cúng đầu tháng”, bà Nhâm cho biết thêm.
Tuy vậy, theo bà Nhâm cũng cho rằng, cúng xe là phong tục, nét văn hóa riêng của từng vùng miền, để người tài xế bình tâm trên đường và tin vào những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, tài xế cũng không nên quá mê tín. Biết “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nhưng quan trọng hơn vẫn cần ở người lái xe là việc chấp hành đúng luật giao thông, chạy xe thật cẩn thận. Các tài xế phải vững chắc tay lái để bảo vệ chính mình thay chỉ vì biết cầu cúng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận