Tại Hội thảo trực tuyến Invest Asean được tổ chức cuối tháng 7/2021, có chủ đề “Sự trỗi dậy của EV ASEAN” do Ngân hàng Đầu tư Maybank (Singapore) tổ chức, các diễn giả có chung nhận định rằng sự tham gia trực tiếp của chính phủ là chìa khóa thúc đẩy việc áp dụng xe điện.
Theo đó, để các bước phát triển được triển khai cụ thể, cần phải thiết lập các mốc thời gian rõ ràng cho việc áp dụng các loại xe điện (EV) và loại bỏ dần các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong (ICE).
Chính phủ các nước trong ASEAN có mức độ quan tâm khác biệt nhau về xe điện
Giám đốc của công ty EV Connection Lee Yuen How, các bên liên quan như OEM ô tô, công ty dầu khí, công ty tiện ích, nhà điều hành trạm sạc EV ngoài chính phủ nên hợp tác với nhau để xây dựng cơ sở hạ tầng sạc được quy hoạch tốt.
“Nếu giao cho tư nhân, họ sẽ chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng sạc ở những nơi tập trung đông người sử dụng xe điện, khiến các khu vực ngoài thành thị và nông thôn trở thành “sa mạc” về sạc điện. Do đó, chính phủ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo đầu tư hài hòa trên tất cả các lĩnh vực”, ông Lee nói.
Trong khi đó, pin xe điện cần được xem xét tách biệt với bản thân các phương tiện để tối đa hóa lợi ích môi trường, Jinsi Lee, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Oyika cho biết.
“Bên bán xe phải chịu trách nhiệm về pin trong toàn bộ vòng đời của nó, thay vì chuyển quyền sở hữu pin cho người mua xe. Người bán sẽ phải tổ chức thu hồi pin, tái chế và tái sử dụng nó theo cách tối ưu. Theo quan điểm của người tiêu dùng, nếu cho thuê pin thì người ta có thể mua một chiếc EV đã qua sử dụng mà vẫn có được công nghệ pin mới nhất”, ông nói.
Theo nghiên cứu của Maybank Kim Eng, mặc dù các nước ASEAN đang từng bước cập nhật lộ trình xe điện, nhưng Malaysia và Philippines lại bị tụt hậu trong vấn đề này. Nghiên cứu cũng dự báo rằng doanh số xe điện EV sẽ ngang bằng với doanh số xe ICE vào năm 2030 nhờ chương trình khử cacbon toàn cầu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận