Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chia sẻ tại hội thảo - Ảnh Hoàng Cường |
Trong khuôn khổ triển lãm ô tô quốc tế Việt Nam (VIMS) 2017 đã diễn ra hội thảo với chủ đề “Văn hóa đi ô tô tại Việt Nam”. Nhiều ý kiến chia sẻ của các vị khách mời đã đưa ra những giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là người lái ô tô. Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng: “Muốn cải thiện được ý thức cũng như giải quyết được các vấn đề yếu kém trong giao thông hiện nay người tham gia giao thông trước tiên phải tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông”.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, văn hóa tham gia giao thông không chỉ thể hiện qua việc tuân thủ các quy định của pháp luật mà còn qua cách ứng xử trong các tình huống hàng ngày như việc đỗ xe, bấm còi…
Môt ví dụ được nhiều người bàn luận trong buổi hội thảo là việc dừng đỗ xe trước nhà dân hay các cửa hàng kinh doanh. Việc đỗ xe này trong thực tế không hề vi phạm các quy định nhưng lại được nhiều người đánh giá là thiếu văn hóa. Đã có nhiều trường hợp phản ứng khá tiêu cực trước hành động đỗ xe thiếu ý thức này như: đổ sơn, chọc thủng lốp và mới đây nhất là việc dán chi chit băng vệ sinh lên một chiếc xe SUV đỗ chắn cửa…
Chia sẻ về câu chuyện này ông Nguyễn Đình Thành, Giám đốc điều hành & Đồng sáng lập Elite PR School, Chuyên gia về Văn hoá và Truyền thông lý giải: "Có khá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa tham gia giao thông do lịch sử để lại, cùng với đó là việc xã hội hiện nay phát triển khá nhanh khiến cho văn hóa nói chung và văn hóa tham gia giao thông nói riêng chưa đáp ứng kịp. Ngoài ra còn là một số yếu tố khác như giáo dục, đào tạo….”.
Giải pháp mà ông Thành đưa ra giúp cải thiện ý thức cũng như văn hóa tham gia giao thông là mỗi cá nhân tham gia giao thông nhất là những người sử dụng ô tô cần thay đổi điều này và cùng cộng hưởng, tác động đến các đối tượng khác.
Còn theo bà Phan Thị Ngọc Diễm, Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008: “Các nhà phân phối, buôn bán xe hơi cần có trách nhiệm hơn đối xã hội. Điều đó cũng chính là thể hiện với những chiếc xe mình bán ra. Không đơn thuần chỉ là thương mại, chiếc xe đó mà có thể là việc tuyên truyền các văn hóa về chiếc xe, vận hành xe sao cho phù hợp và có ý thức hơn khi di chuyển. Nếu tuyền truyền được về văn hóa về cách sử dụng các sản phẩm sang trọng và nhập khẩu, nhiều nhà phân phối xe cũng sẽ góp phần tuyên truyền tốt hơn về văn hóa đi xe”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận