Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đang nắm giữ 30% vốn góp tại Công ty Honda Việt Nam, 20% tại Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và 25% tại Công ty TNHH Ford Việt Nam.
Showroom giới thiệu và kinh doanh máy nông nghiệp của VEAM. Ảnh minh họa
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, hết quý 1 vừa qua, VEAM có nguồn thu hoạt động tài chính xấp xỉ 252 tỷ đồng, thu từ liên doanh liên kết đem lại 1.175 tỷ đồng, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.010 tỷ đồng.
Hiện VEAM đang nắm giữ hơn 15.000 tỷ đồng, gồm tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, chiếm 53% tổng tài sản, trong đó tiền gửi có kỳ hạn ở ngân hàng là 14.736 tỷ đồng.
Phần lớn tiền gửi của VEAM đến từ lợi nhuận sau thuế chưa chia cho các cổ đông, trong đó cổ đông lớn nhất là Bộ Công thương chiếm 88,5% vốn điều lệ.
Lũy kế lợi nhuận từ các năm trước đến nay đạt 13.065 tỷ đồng, tính đến 31/3/2023.
Với mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của nhóm 4 ngân hàng quốc doanh lớn nhất (Vietcombank, BIDV, VietinBank và Agribank) tại thời điểm đầu tháng 4/2023, lãi suất tiền gửi trung bình là 7,2%/năm (tức 0,6%/tháng), riêng khoản lãi từ lượng tiền gửi ngân hàng của VEAM xấp xỉ 88,4 tỷ đồng/tháng.
Về thực lực sản xuất kinh doanh, VEAM có nghề kinh doanh chính là máy nông nghiệp, ô tô tải, nhưng phần lớn lợi nhuận hàng năm đến từ các công ty liên doanh - liên kết, trong đó lợi nhuận ròng lớn nhất từ các liên doanh với Toyota, Honda và Ford.
Đáng chú ý, doanh nghiệp này có nhiều vị là cựu lãnh đạo cấp cao, giữ các chức vụ chủ chốt như Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc và nhiều giám đốc công ty con liên tiếp hầu tòa do hàng loạt sai phạm.
Hồi tháng 5 năm ngoái, ông Trần Ngọc Hà - cựu Chủ tịch HĐTV, TGĐ VEAM đã bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 11 năm tù; Nguyễn Đức Toàn (cựu Phó Giám đốc VM, chi nhánh của VEAM) bị tuyên phạt 4 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong đầu tư sản xuất máy kéo và hợp tác với Công ty T-King (Trung Quốc).
Liên quan đến vụ án này còn có 15 người khác cũng phải nhận án tù.
Mới đây, hôm 5/5/2023 TAND TP Hà Nội lại đưa các bị cáo Phạm Vũ Hải (cựu Phó TGĐ VEAM, cựu Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM Thanh Hóa); Nguyễn Đức Toàn (cựu Phó GĐ Công ty VM), Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch HĐTV, TGĐ VEAM) ra xét xử tội danh “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” trong một vụ án khác, liên quan thương vụ ký kết hợp đồng mua săm, lốp của cao su Sao Vàng và Casumina.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận