Kiến nghị giảm lệ phí trước bạ ô tô
Ngày 13/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ Tài chính sau khi nhận được công văn kiến nghị tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước của TC Motor.
Kiến nghị hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp đang được nghiên cứu, báo cáo Chính phủ trong tháng 8/2021
Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu kiến nghị của TC Motor, đánh giá và tính toán kỹ tác động, trên cơ sở đó đề xuất hướng xử lý kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh dịch Covid-19.
Kiến nghị nêu trên không chỉ từ phía doanh nghiệp mà đây cũng là một trong những đề xuất của UBND tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Trước khi có những kiến nghị nêu trên, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), hồi cuối quý I cũng đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô đăng ký mới (cả CKD và CBU) bên cạnh nhiều vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp khác. Bộ đã có văn bản trả lời vào tháng 5, bác đề xuất của VAMA vì cho rằng "không phù hợp với bối cảnh hiện nay".
Tuy nhiên theo nguồn tin của Xe Giao thông, việc tái đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô đăng ký mới của VAMA đã được bàn bạc và thống nhất, trình Chủ tịch VAMA ký trong tháng 7 vừa qua. Có thể, văn bản đã được gửi đi từ cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8. Do các thành viên VAMA kinh doanh cả xe nhập khẩu lẫn lắp ráp nên tái đề xuất mong muốn giảm 50% lệ phí trước bạ cho cả xe CKD lẫn CBU.
Bên cạnh đó, mới đây, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũng bày tỏ quan điểm việc hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ cho cả nhập khẩu lẫn lắp ráp sẽ tốt hơn.
Trong văn bản góp ý Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ doanh nghiệp mới đây, Audi Việt Nam cho rằng, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng điều này cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc.
"Các hạn chế trong bối cảnh đại dịch Covid tại Việt Nam đang được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh ô tô, do đó chúng tôi đề nghị việc giảm lệ phí trước bạ cũng cần phải áp dụng chung cho cả CKD và CBU, đây cũng sẽ là sự hỗ trợ cho toàn cộng đồng", đại diện Audi Việt Nam nói.
Audi Việt Nam đề nghị áp dụng chung giảm 50% lệ phí trước bạ cho cả xe CKD lẫn CBU
Vì sao chỉ giảm phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước?
Trao đổi với PV Xe Giao thông, một vị đại diện VAMA cho biết, để đưa ra quyết định có hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô hay không, chỉ cho xe lắp ráp hay cả nhập khẩu đều phải tính toán kỹ lưỡng, để đảm bảo đối xử bình đẳng. “Quốc gia nào cũng muốn hỗ trợ cho công nghiệp ô tô trong nước nên để đưa ra quyết định là việc rất khó khăn”, vị đại diện nói thêm.
Tuy nhiên theo một chuyên gia ô tô, vì tình hình dịch bệnh nên các hãng xe đều gặp khó khăn. Thế nhưng, ô tô sản xuất lắp ráp sẽ gặp khó khăn nhiều hơn. “Không tính đến việc các hãng sản xuất lắp ráp phải đầu tư dây chuyền sản xuất, nhà máy trước đó thì dù dịch bệnh, họ vẫn phải duy trì sản xuất, việc làm cho công nhân. Đối với một hãng sản xuất lắp ráp thông thường ít sẽ cần từ 700 – 1.000 nhân viên (bao gồm công nhân) hoặc thậm chí lên tới cả 4.000 – 5.000 người. Không thể thấy ít người mua thì dừng sản xuất, cho công nhân nghỉ rồi đến khi hết ảnh hưởng từ dịch bệnh lại gọi công nhân quay lại làm. Hay ví dụ như bể sơn, không thể khi nào sơn xe thì mới bật, còn không lại tắt, vẫn phải duy trì hoạt động liên tục (trong trường hợp nhà máy không tạm đóng cửa).
Trong khi đó đối với ô tô nhập khẩu, thông thường chỉ cần vài trăm người để vận hành. Bên cạnh đó, hãng nhập khẩu có thể điều chỉnh được số lượng nhập khẩu tuỳ theo tình hình thị trường, dù có thể có cam kết về số lượng nhập khẩu với hãng mẹ”, chuyên gia phân tích.
Khi được hỏi về việc tái đề xuất hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô đăng ký mới của VAMA, ông Ninh Hữu Chấn, Tổng thư ký VAMA từ chối đưa ra thông tin và bình luận. Ông Chấn cho rằng, không nên bàn quá sớm bởi có thể sẽ tạo ra tâm lý chờ đợi cho khách hàng mà còn chưa rõ chính sách có được thực thi hay không.
Chuyên gia cũng nhận định, khách hàng không nên có tâm lý chờ đợi mà nên mua ô tô khi nào thấy giá xe tốt nhất, ví dụ như thời điểm hiện nay bởi giảm giá hay được Chính phủ hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ, khách hàng đều được lợi. “Các hãng gần như đều đang phải bỏ tiền túi ra để kích thích mua sắm ô tô, thậm chí có những hãng tặng 50 – 100% lệ phí trước bạ, hoặc đại lý giảm giá còn nhiều hơn cả mức hỗ trợ lệ phí trước bạ. Ở những tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, khách hàng có thể đặt cọc để lấy giá tốt, đợi hết giãn cách đi nhận xe.
Trong trường hợp kiến nghị hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ được thông qua, các hãng xe sẽ không cần phải ưu đãi, giảm giá nhiều như vậy nữa nên khi đó, giá lăn bánh có thể cũng sẽ không quá thấp như nhiều người kỳ vọng”, chuyên gia nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận