Trong chương trình truyền hình thực tế Shark Tank Việt Nam phát ngày 7/8/2022, anh Ngô Việt Bắc, người sáng lập dịch vụ “Rửa xe tại hầm Ultima”, mong muốn kêu gọi số vốn đầu tư 4 tỷ đồng (tương đương 20% cổ phần) từ các nhà đầu tư.
Điểm nhấn của dịch vụ “Rửa xe tại hầm” của Ngô Việt Bắc là với dung dịch Ultima, thay vì mất 30 phút đánh xe đi rửa ở tiệm, người dùng chỉ cần 30 giây để quét mã QR và sau khoảng 30 phút, nhân viên công ty sẽ đến rửa xe tại hầm tòa nhà.
Dự án khởi nghiệp “Rửa xe tại hầm Ultima” kêu gọi số vốn đầu tư 4 tỷ đồng, tương đương 20% vốn cổ phần của startup
Dịch vụ của Ultima có thể xử lý bùn đất bám trên thân vỏ. Tuy nhiên, anh Ngô Việt Bắc thừa nhận dịch vụ không thể làm sạch phần gầm xe.
Ngô Việt Bắc cũng cho biết, dọn rửa nội thất là điểm giới hạn của dịch vụ bởi khi đó cần có sự đồng ý của chủ xe để lấy và trao trả chìa khóa.
Dịch vụ chính của anh là muốn khách hàng không phải bàn giao chìa khóa mà có thể yên tâm đi ngủ. Xe đỗ dưới hầm sẽ có nhân viên đến tận nơi lau chùi.
Ultima có liên kết với tòa nhà để nhân viên có thể ra vào hầm gửi xe. Đổi lại, công ty khởi nghiệp Ultima sẵn sàng chia sẻ doanh thu dịch vụ.
Hiện tại, Ultima đang có mức giá dịch vụ theo lượt là 70.000 đồng. Nếu người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ thường xuyên thì mức giá là 33.000 đồng/lượt khi đăng ký theo tháng (tổng phí hàng tháng 939.000/tháng).
Ý tưởng khởi nghiệp của anh Ngô Việt Bắc đã không nhận được sự hưởng ứng của các Shark Tank bởi thiếu tính khả thi và khó thu hồi vốn.
Theo nhà đầu tư vốn khởi nghiệp Nguyễn Hòa Bình, có 3 điểm yếu trong mô hình kinh doanh của “Rửa xe tại hầm Ultima”.
Cụ thể, dịch vụ rửa xe Ultima có khả năng bị lỗ nếu không kiểm soát được các chi phí ẩn như thuê nhân viên đi lại, trả phí cho tòa nhà, cũng như bảo toàn tài sản cho chủ xe.
Trong khi đó, nhà đầu tư Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, với tư cách nhà phân phối độc quyền dung dịch rửa xe, startup Ultima nên đi bán nước rửa xe cho các chủ xe tự lau rửa còn sinh lời hơn làm dịch vụ rửa xe.
Vốn đầu tư một điểm rửa xe tự động cần từ 4,5 - 5,25 tỷ đồng/năm, doanh thu 7 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Lam Anh
Tương tự đầu năm nay, chủ đầu tư chuỗi “Rửa xe thông minh” là Công ty TNHH Rửa xe thông minh cũng khai trương loạt địa điểm rửa xe bằng máy tự động, nhập từ Đức.
Nhà đầu tư đặt kỳ vọng sẽ nhân bản lên 222 điểm rửa xe trên cả nước. Không chỉ mỗi việc rửa xe mà còn cung cấp thêm các dịch vụ đi kèm như: “Rửa xe thông minh - Cà phê - Điểm đỗ”.
Đơn vị này ước tính doanh thu khi đạt 20.000 lượt rửa xe/địa điểm/năm (tương đương 55 lượt rửa xe mỗi ngày), mỗi điểm rửa xe sẽ đạt doanh thu 7 tỷ đồng/năm (tính gộp cả rửa xe, cà phê, trông xe). Lợi nhuận bình quân 25% trong một năm, tương đương 1,75 tỷ đồng/năm.
Một chuyên gia tài chính cho hay, với tính toán của chủ đầu tư chuỗi “Rửa xe thông minh” về mức lợi nhuận 25%/năm khi đạt doanh thu 7 tỷ đồng/năm, có thể tính được suất đầu tư bình quân cho một điểm rửa xe tự động theo mô hình của Công ty TNHH Rửa xe thông minh đang triển khai vào khoảng 4,5 - 5,25 tỷ đồng/năm.
“Tuy nhiên, rủi ro của các mô hình rửa xe kiểu mới nằm ở chỗ khởi nghiệp bằng số vốn khoảng 5 tỷ đồng, nhưng chưa xác định được tệp khách hàng mục tiêu là ai, số lượng bao nhiêu”, vị chuyên gia lập luận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận