Theo tính toán, nếu được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với linh kiện sản xuất trong nước như một số nước trong khu vực đang thực thi thì giá thành sản xuất ô tô sẽ giảm đáng kể. Tuy nhiên trong văn bản báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính cho biết vẫn đang “tiếp tục nghiên cứu”.
Giá thành ô tô sẽ giảm nếu linh kiện được miễn thuế
Bộ Tài chính vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nội dung đề cập “giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước”. Theo nhận định, nếu chính sách này được áp dụng, giá thành xe ô tô sản xuất trong nước sẽ giảm đáng kể.
Theo Bộ Tài chính, chính sách này được thực hiện sẽ khuyến khích DN nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu. Vì thế, tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TTĐB, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và đề xuất phương án giá tính thuế TTĐB như nội dung báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tuy cách tính thuế TTĐB mới có lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất lắp ráp trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nhưng cũng phải đảm bảo được sự ổn định, lâu dài thì doanh nghiệp mới có thể yên tâm đầu tư. Các nhà đầu tư rất ngại việc thay đổi chính sách mà không có dự báo và thay đổi nhanh. Việt Nam cần phải đưa ra chính sách làm sao cho doanh nghiệp cảm thấy ổn định và yên tâm.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Tuy nhiên dẫn quy tắc đối xử quốc gia nêu tại Điều III Hiệp định GATT của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Bộ Tài chính lo ngại nếu hướng dẫn giá tính thuế TTĐB được trừ đi giá trị linh kiện sản xuất trong nước “có thể sẽ vi phạm cam kết về phân biệt giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước”.
Được biết, một số nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia cũng áp dụng quy định cho trừ giá trị linh kiện nhập khẩu hoặc ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước trong một thời gian ngắn 3-5 năm. Mục đích là để trong trường hợp bị kiện thì “quy định ưu đãi cũng hết hiệu lực”. Do vậy, Bộ Tài chính cho biết, đang tiếp tục nghiên cứu để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, quyết định khi sửa Luật thuế TTĐB.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nếu đề xuất của Bộ Tài chính được thông qua, giá thành ô tô trong nước sẽ giảm bởi trừ được phần phụ tùng ở trong nước. Tuy nhiên, phần phụ tùng đó là bao nhiêu (nội địa hóa) cần phải được xác minh rõ bởi hiện nay đối với việc này đang có những cách tính khác nhau.
Ví dụ, đối với trường hợp điện thoại Samsung, phần giá trị gia tăng từ sản xuất trong nước do Samsung công bố là khoảng 55% nhưng một nghiên cứu của Đại học Fulbright Việt Nam lại cho rằng chỉ được khoảng 18%. Sự chênh lệch đó có bởi các DN Hàn Quốc đi theo Samsung vào sản xuất tại Việt Nam. Phía Samsung tính cả phần các DN Hàn Quốc sản xuất tại Việt Nam nhưng phía Đại học Fulbright lại cho rằng, đó là đầu tư nước ngoài, không phải sản xuất tại Việt Nam.
Trả lời câu hỏi nên tính thuế TTĐB theo hướng nào, chuyên gia Lê Đăng Doanh ủng hộ quan điểm tính cả phần DN nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam. “Theo luật Việt Nam, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được coi như là một thể nhân hoạt động. Vì vậy, quyền lợi của họ cũng giống như của DN trong nước. Nếu được thông qua, cách tính thuế TTĐB mới sẽ khuyến khích được các DN đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam. Các DN đầu tư như vậy sẽ được giảm thuế đương nhiên họ sẽ làm”.
Doanh nghiệp chờ cách tính thuế mới
Tại Hội nghị về phát triển công nghiệp hỗ trợ diễn ra cuối năm 2018, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Trường Hải cho rằng: “Cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2017 với thuế suất nhập khẩu một số linh kiện được lắp ráp trong nước (CKD) bằng 0%. Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ để sản phẩm ô tô sản xuất trong nước có thể cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Vì vậy, đề xuất miễn thuế TTĐB cho tỷ lệ phần trăm linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước để khuyến khích công nghiệp hỗ trợ phát triển và giảm giá xe cho người tiêu dùng.
Còn theo ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT), từ trước đến giờ có rất nhiều DN đề xuất về thay đổi cách tính thuế (TTĐB) đối với ô tô dưới 9 chỗ sản xuất, lắp ráp trong nước. Hầu hết các DN nội, có sản xuất lắp ráp trong nước đều đề xuất hết và theo hướng Bộ Tài chính vừa đưa ra.
Cách tính mới tạo ra động lực để DN đầu tư nội địa hóa, đấy mới là cái gốc của vấn đề để khuyến khích sản xuất trong nước. Cách tính thuế mới này sẽ tạo ra động lực cho các DN đầu tư nội địa hóa, các sản phẩm, linh kiện tại Việt Nam.
Nếu được áp dụng, sẽ có rất nhiều DN sản xuất lắp ráp ô tô lẫn phụ trợ sẽ đầu tư tại Việt Nam. Thay vì ngày xưa, tính giảm thuế theo bộ linh kiện rời rạc, bao nhiêu năm vẫn chưa có tác dụng vì không khuyến khích được DN đầu tư sản xuất thật ở Việt Nam. Giá trị hàm lượng công nghệ cao chỉ có thể được chuyển giao ở Việt Nam khi sản lượng và nhiều điều khác thuận lợi hơn. Ở đây khi tác động trực tiếp vào thuế linh kiện người ta sẽ thấy thuận lợi cái gì thì họ sẽ tổ chức sản xuất cái đó.
Cho biết về khả năng sẽ áp dụng theo phương án của Bộ Tài chính, ông Hà cho rằng: “Nếu áp dụng chính sách này trong khoảng thời gian từ 3 - 5 năm theo đề xuất là tương đối ít, sẽ rất khó để giải quyết vấn đề. Nếu thuế cứ thay đổi liên tục thì nhà đầu tư cũng sợ. Thực ra cũng có nhiều quốc gia có những biện pháp thực chất nhìn thấy đó là vi phạm cam kết WTO nhưng cũng không thấy ai làm gì cả”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận