Sửa xe, đi viện không cần dùng bảo hiểm
Cuối tháng 10/2022, trên đường đi làm từ KCN Đài Tư (đường Nguyễn Văn Linh, Long Biên, Hà Nội) về nhà ở thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm, Hà Nội), chị Hoàng Thị Nhuần va quệt với một người shipper Grab vượt cùng chiều, tạt đầu khiến cả 2 xe văng ra đường.
Chị Nhuần bị bong gân cánh tay phải, xe máy Honda Lead vỡ yếm và đèn xi-nhan, đèn pha, gãy gương.
Nhiều vụ TNGT liên quan xe máy, nhưng người đi xe máy "ngại" đòi bồi thường bảo hiểm TNDS bắt buộc. Ảnh minh họa
Chị Nhuần cho hay, mặc dù có mua bảo hiểm bắt buộc xe máy, nhưng chị chưa từng nghĩ đến việc mang ra sử dụng, do “mất thời gian” và cũng không chắc sẽ được duyệt bồi thường.
“Tôi cũng không rõ tai nạn như của mình sẽ được bồi thường bao nhiêu, có tương xứng với thời gian, công sức bỏ ra để làm thủ tục đòi bảo hiểm này không. Trong khi đó, tôi tự đi sửa xe, tự vào viện khám hết khoảng 3,5 triệu đồng và mất nửa buổi làm việc”, chị Nhuần nói.
Trường hợp của chị Nhuần là một trong hàng trăm ví dụ về việc chủ xe máy, mặc dù có bảo hiểm TNDS bắt buộc, nhưng hoài nghi về hiệu quả của loại dịch vụ bắt buộc này.
Trước đó, hôm 22/7/2022, Văn phòng Chính phủ có văn bản yêu cầu một số bộ ngành phối hợp trả lời kiến nghị của cử tri các tỉnh về bảo hiểm bắt buộc TNDS xe cơ giới, đặc biệt là với cử tri sử dụng xe mô tô, xe gắn máy.
Theo đó, cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng phản ánh việc cơ quan chức năng quy định người tham gia giao thông bằng xe máy bắt buộc phải mua bảo hiểm xe, nếu không sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng (theo Nghị định 03/2021).
Tuy nhiên, "khi xảy ra tai nạn giao thông thì người dân khó tiếp cận với các chính sách của loại bảo hiểm này. Quyền lợi người tham gia bảo hiểm không được thực hiện đầy đủ. Thủ tục yêu cầu chi trả bảo hiểm rất khó khăn”, cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xe máy bắt buộc.
Phản ánh đến đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri tỉnh Đắk Lắk đề nghị nghiên cứu chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm của chủ xe mô tô, xe máy sang hình thức tự nguyện, không ép buộc, để đảm bảo quyền lợi của người dân.
“Thực tế hiện nay, dù bắt buộc chủ xe mô tô, xe máy phải mua bảo hiểm nhưng khi xảy ra tai nạn và đề nghị chi trả bảo hiểm thì công ty bảo hiểm nhũng nhiễu, gây khó khăn, thủ tục rườm rà khiến người mua bảo hiểm gặp nhiều khó khăn trong quá trình đề nghị thanh toán chi trả bảo hiểm”, cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị. Đồng thời, xem xét lại quy định việc công an giao thông xử phạt người tham gia giao thông khi không mua bảo hiểm mô tô, xe máy.
Bất khả thi ở khâu giám định thiệt hại
Theo các chuyên gia tư vấn bảo hiểm, quy định hiện hành có một khâu mà khi thực thi thường bị tắc, đó là khâu giám định thiệt hại (khoản 1 điều 12 Nghị định 03/2021/NĐ-CP).
Cụ thể, quy định này nêu khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới, người lái xe và bên thứ ba thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Kết quả giám định phải lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan.
“Việc tổ chức giám định - mặc dù chi phí giám định do công ty bảo hiểm lo, nhưng kết quả giám định phải có chữ ký của các bên liên quan là việc cực khó, vì sau vụ TNGT - việc các đương sự ngồi lại với nhau để ký vào biên bản giám định là bất khả thi”, một chuyên gia tư vấn bảo hiểm phân tích.
VCCI cho rằng bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy không mang lại lợi ích xã hội thiết thực
Bởi vậy, theo khảo sát của Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong thời gian qua, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc, tuy đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội, nhưng với bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy thì không.
Sau hơn 10 năm triển khai Nghị định 103/2008/NĐ-CP, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy vẫn ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019 (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm).
Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác, cụ thể, tỷ lệ chi trả của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của xe ô tô là khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%.
Tuy nhiên, với số tiền chi trả ít ỏi 45 tỷ đồng thì rất khó có thể thuyết phục rằng lợi ích mang lại từ khoản tiền bồi thường bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy lớn hơn chi phí xã hội phải bỏ ra là 765 tỷ đồng.
“Như vậy, nhìn về mặt tổng lợi ích cho xã hội, bảo hiểm bắt buộc với xe máy không bảo đảm nguyên tắc lợi ích lớn hơn chi phí”, trích văn bản đóng góp ý kiến của VCCI với Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận