Doanh số tăng vọt
Phân tích số liệu doanh số bán hàng do Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố cho thấy, chỉ trong vòng 2 năm từ 2020 - 2021, lượng tiêu thụ các mẫu ô tô gầm cao tại Việt Nam đã tăng mạnh, vượt xa so với doanh số của các mẫu sedan vốn một thời thống lĩnh thị trường.
Cụ thể, trong năm 2021, trong khi doanh số dòng xe sedan sụt giảm 20% so với năm trước (đạt 75.588 xe) thì doanh số phân khúc SUV, crossover hay MPV lại ghi nhận sự tăng trưởng mạnh tới gần 18% (đạt 92.185 xe) và chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường (22%).
Khách hàng ngắm chọn xe gầm cao cho gia đình tại một đại lý trên đường Nguyễn Văn Linh (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: Lam Anh
Trong vai người đi mua ô tô tại một dãy showroom trên đường Nguyễn Văn Linh (Long Biên, Hà Nội), PV Báo Giao thông được một nhân viên bán hàng tại một đại lý xe của thương hiệu ô tô Nhật Bản cho biết: “Nếu trước đây khách hàng quan tâm nhiều đến các mẫu sedan thì giờ đây đã chuyển hướng sang các mẫu xe gầm cao, nhất là các khách hàng mua xe gia đình”.
Gặng hỏi lý do vì sao? PV chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn: “Anh mua sedan rồi sớm muộn gì cũng đổi sang xe gầm cao”.
Vợ chồng anh Vương Quang Hà (trú tại phố Lò Đúc, Hà Nội) đang ngắm nghía một chiếc xe SUV đô thị (dòng xe 5+2 chỗ ngồi) của Suzuki tại đại lý ở Long Biên.
Anh Hà cho biết: “Xe gầm cao nhiều ghế hơn, leo dốc khỏe hơn, tầm nhìn thoáng hơn, cũng không tốn nhiên liệu hơn, mà giá bán lại không đắt hơn. Thế là hơn sedan nhiều rồi…”.
Theo báo cáo doanh số hàng tháng của VAMA và các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam, trong Top 10 xe bán chạy nhất hàng tháng thường xuyên xuất hiện 5/10 nhãn hiệu là xe gầm cao (SUV/crossover).
Điển hình như trong Top 10 xe bán chạy nhất tháng 4/2022, có tới 5 mẫu xe thuộc nhóm gầm cao đô thị là: Toyota Corolla Cross (2.299 xe), Honda CR-V (2.093 xe), Mazda CX-5 (1.843 xe), Kia Seltos (1.472 xe), Hyundai Creta (1.054 xe).
Thực tế các mẫu xe gầm cao nói trên cũng luôn giữ vị trí sản phẩm “flagship” - sản phẩm chủ chốt của các thương hiệu ô tô tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Do nắm bắt được thị hiếu của người Việt đối với các mẫu xe gầm cao, các thương hiệu ô tô trong nước đã rất tích cực cho ra mắt các mẫu xe mới.
Thậm chí, trong thời gian gần đây, các hãng bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam đều chọn các dòng SUV để ra mắt khách hàng, như: Volvo chọn dòng XC40, Peugeot chọn dòng 2008, thương hiệu MG đưa về dòng ZS hay thương hiệu BAIC chọn dòng Beijing X7. Tới đây, có thể có thêm Chery (Trung Quốc) và Skoda (CH Séc) đưa xe vào thị trường Việt Nam với màn ra mắt là một sản phẩm SUV cỡ trung.
Nhiều lợi thế khi tham gia giao thông
Giá bán phần lớn các mẫu ô tô gầm cao tại Việt Nam hiện nay khá phù hợp với túi tiền của nhiều khách hàng
Theo một số chuyên gia về ô tô, các dòng xe gầm cao đang được người Việt ưa chuộng có nhiều lý do.
Thứ nhất, giá bán phần lớn các mẫu ô tô gầm cao tại Việt Nam hiện nay khá phù hợp với túi tiền của nhiều khách hàng, chỉ vào khoảng 500 - 900 triệu đồng. Bên cạnh đó, mẫu mã thiết kế của các mẫu ô tô gầm cao cỡ nhỏ khá thời trang, hiện đại…
Không chỉ khách hàng cá nhân, ô tô gầm cao cỡ nhỏ còn phù hợp với những gia đình trẻ hay những bạn trẻ đang tìm kiếm một mẫu ô tô nhỏ gọn, gầm cao để đi lại hàng ngày trong thành phố và đi du lịch cuối tuần.
Ngoài ra, đặc thù giao thông cũng tạo ra xu hướng muốn mua xe gầm cao. Từ góc nhìn của người đã từng đổi xe sedan Mazda 3 đời cũ lên chiếc Ford EcoSport đời 2020, anh Nguyễn Huy Hoàng (trú tại phố Ngụy Như Kon Tum, Hà Nội) cho rằng: “Đường sá Việt Nam có nhiều chỗ hố ga, nắp cống, đặc biệt đậu xe trong đô thị thường phải đi lên vỉa hè. Bởi thế, đi xe gầm thấp rất hay bị chạm vào vỉa hè. Đặc biệt, vào mùa mưa, xe SUV hay crossover thường có khoảng sáng gầm cao, có thể lội nước sâu từ 700 - 1.000 mm mà không bị chết máy”.
“Dòng xe gầm cao đô thị hiện nay hầu hết dùng loại động cơ 1.5L nên mức tiêu hao nhiên liệu cũng chỉ khoảng 7 - 8 lít xăng/100km, không hơn sedan là mấy trong khi lại rộng rãi, cao ráo và thoải mái hơn”, anh Hoàng cho biết thêm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Trưởng bộ phận bán hàng tại đại lý Toyota Long Biên lý giải: “Trong quá khứ, những mẫu xe sedan từng nhiều năm giữ vị thế số 1 về sức mua như Toyota Vios hay Altis nhưng nay phải ngậm ngùi nhường sân cho các dòng xe gầm cao, do thị hiếu thay đổi. Thậm chí có tháng, mẫu xe gầm cao Toyota Corolla Cross giữ suất bán chạy nhất Top 10, dù giá của chiếc xe này không rẻ, từ 720 - 918 triệu đồng mà đặt hàng phải vài ba tháng mới có xe giao”.
Tương tự, nhân viên đại lý Hyundai Đông Đô cũng cho rằng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là giá bán hiện nay của dòng SUV/crossover đã được kéo lùi, tiệm cận và có khi còn rẻ hơn sedan cùng cỡ.
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, chính sách thuế hiện hành ở nhiều nơi trên thế giới đánh vào lượng phát thải, căn cứ vào dung tích động cơ, xe động cơ càng lớn thuế càng cao, bất kể là xe gầm cao hay gầm thấp.
Ở Việt Nam chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên dung tích xi-lanh, xe lắp động cơ từ 2.0L trở lên thuế rất cao. Do vậy, xu hướng hiện nay là xe gầm cao nhưng lắp động cơ dung tích nhỏ 1.6L có tăng áp, chỉ chịu mức thuế suất tương đương xe sedan.
Đề cập thực tế có nhiều gia đình người Việt chỉ đi trong phố nhưng cũng chọn mua xe gầm cao, thậm chí là những xe SUV 7 chỗ cỡ lớn, liệu có lãng phí hay không?, ông Đồng cho rằng, trường hợp này đúng là không cần thiết. Những người mua xe để thi thoảng về quê ở tỉnh chuộng xe gầm cao cũng hợp lý vì dịp lễ, Tết có thể chở đến 3 thế hệ trên một chuyến xe, chở được nhiều đồ và đi đường trường không mệt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận