Cú ngược dòng sau nhiều năm nhập siêu
Ngày 29/10, tại nhà máy Hyundai Thành Công (Ninh Bình), những chiếc Hyundai Palisade tay lái bên phải trị giá 1,5 tỷ đồng/chiếc được xếp ngay ngắn lên những thùng container loại 40 feet, sẵn sàng lên tàu xuất khẩu sang Thái Lan. Đây là mẫu xe đắt nhất của thương hiệu Hyundai, cạnh tranh với những đối thủ đáng gờm như Ford Explorer, Volkswagen Teramont. Palisade chính thức được lắp ráp tại Việt Nam từ năm 2023, giá niêm yết từ 1,47 - 1,59 tỷ đồng.
Sau 15 năm thiết lập liên doanh với Hyundai Hàn Quốc, việc Hyundai Thành Công lần đầu xuất khẩu 110 chiếc xe dòng Palisade đánh dấu một chương mới trong ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Theo Chủ tịch Tập đoàn Thành Công Nguyễn Anh Tuấn: "Đây là cuộc lội ngược dòng, vì từ trước đến nay, phần lớn xe du lịch Việt Nam nhập khẩu từ Thái Lan".
Hyundai Thành Công tiết lộ kế hoạch xuất khẩu 4.000 xe sang Thái Lan từ nay đến hết năm 2025, hiện thực hóa mục tiêu biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất ô tô của khu vực.
Trước đó, ngày 22/10, lô 1.400 chiếc xe điện dòng VFe34 và VF3 của VinFast được tập kết tại bãi cảng Tân Vũ (Hải Phòng) để xuất khẩu tới Indonesia và Philippines. Đây chỉ là một lô hàng trong số hàng nghìn chiếc ô tô điện VinFast được xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu và một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài việc xuất khẩu ô tô điện trực tiếp từ Việt Nam sang các nước, VinFast còn đặt nhà máy ở nhiều quốc gia khác.
Trước đó, từ năm 2020 Tập đoàn Thaco cũng đã xuất khẩu xe Kia Soluto và Kia Carnival sang Myanmar.
Dấu ấn ô tô "Made in Vietnam"
Theo Tổng cục Hải quan, phương tiện vận tải và phụ tùng là nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch lớn của Việt Nam nhiều năm qua, bình quân 12 tỷ USD/năm. Trong đó, Thaco đã xuất khẩu sơ-mi rơ-moóc sang Mỹ từ năm 2019, VinFast xuất khẩu xe điện sang Mỹ từ năm 2022 hay Hyundai Thành Công cuối năm ngoái đã xuất khẩu lô xe 16 chỗ Hyundai Solati sang Peru.
Tuy nhiên, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc vẫn là ba quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất sang Việt Nam với sản lượng khoảng 110.000 xe/năm, với kim ngạch khoảng 2,5 tỷ USD. Trong đó, ô tô xuất xứ Thái Lan chiếm tỷ trọng lớn nhất. Năm 2023, xe du lịch xuất xứ Thái Lan vào Việt Nam đạt giá trị kim ngạch 1,145 tỷ USD, chiếm hơn 46,4% về lượng và chiếm hơn 42,7% về giá trị trên tổng kim ngạch của cả 11 nước xuất khẩu ô tô vào Việt Nam cộng lại.
Bởi vậy, theo nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài, sự kiện xuất khẩu xe Hyundai Palisade sang Thái Lan là sự khẳng định sản phẩm ô tô "Made in Vietnam", không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu trong nước mà còn có thể thỏa mãn những tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường ô tô phát triển hơn.
"Việc Hyundai Thành Công xuất khẩu xe Hyundai Palisade sang thị trường Thái Lan sẽ tạo tiền đề vững chắc cho các sản phẩm xe ô tô du lịch có xuất xứ Việt Nam, tận dụng tối đa lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên", ông Hoài khẳng định.
Theo Bộ Công thương, tính đến cuối năm 2020, cả nước mới xuất khẩu khoảng 1.000 ô tô dưới 9 chỗ, thấp hơn mục tiêu đặt ra (xuất khẩu 5.000 xe vào năm 2020). Nhưng từ năm 2021 đến nay, lượng xe du lịch xuất khẩu của từng hãng đã có bước nhảy vọt.
Cần gì để đẩy mạnh xuất khẩu?
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện VinFast cho biết, ô tô là sản phẩm tiêu dùng đặc biệt, trong đó giá bán đến người dùng cuối chỉ là một trong những yếu tố tham chiếu. Thị trường càng lớn càng yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng, mạng lưới bán hàng và sau bán hàng.
Việc cam kết rót vốn mở nhà máy lắp ráp ô tô VinFast tại các thị trường lớn như Mỹ, Ấn Độ, Indonesia là những bước đi khẳng định cam kết của hãng, trước khi được người tiêu dùng bản địa đón nhận.
Theo TS Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công thương), EU là thị trường có tiêu chuẩn cao, khoảng cách địa lý khá xa Việt Nam. Vì vậy cơ hội xuất khẩu sẽ khó thành hiện thực nếu doanh nghiệp không đủ năng lực tham gia mạng lưới cung ứng trong lĩnh vực ô tô, xe máy.
Còn theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, mở cửa thị trường ô tô là cam kết cấp chính phủ, thậm chí một vài nước châu Âu chỉ cam kết theo từng năm.
"Không phải cứ làm ra xe muốn bán tới nước nào thì bán. Đối với khu vực ASEAN, có một thuận lợi là ngưỡng 40% nội địa hóa (tính theo giá trị) được miễn thuế nhập cảng nội khối từ năm 2018 đến nay.
Để xuất khẩu thành công, tăng nội địa hóa là yếu tố tiên quyết. Để hưởng mức thuế nhập cảng 0% thì phần làm ra trong nước trên những mẫu xe mà Thaco, VinFast, Hyundai xuất cảng tới Đông Nam Á phải trên 40%", ông Đồng nói.
Theo Tổng cục Hải quan, hiện có 4 nhóm chính sách ưu đãi về thuế, phí cho công nghiệp ô tô và ngành phụ trợ gồm: Chính sách thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm phí trước bạ và ưu đãi thuế cho các dự án sản xuất ô tô.
Khi dung lượng thị trường nội địa và tỷ lệ nội địa hóa tăng sẽ giúp mục tiêu xuất khẩu 90.000 xe/năm hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể vượt mục tiêu này nếu các doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội của 17 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký.
Trong mảng xuất khẩu ô tô con dưới 9 chỗ, Thaco là "người khai phá" vào năm 2021 với sản lượng 1.480 xe sang Myanmar và Thái Lan, gồm các dòng xe du lịch Kia Soluto và Kia Carnival. Năm 2022, VinFast lần đầu xuất khẩu lô xe điện 999 chiếc VF 8 đến Mỹ, lô xe điện thứ hai 1.879 chiếc được giao đến California (Mỹ) vào tháng 5/2023.
Từ đầu năm 2024 đến nay, khoảng 1.500 chiếc xe con được xuất khẩu, gồm 1.400 xe điện của VinFast rời cảng hôm 30/8 để sang Indonesia và 110 xe Palisade của Hyundai Thành Công lên tàu sang Thái Lan trong tháng 10.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận