Bài tham luận "Phát triển hạ tầng trạm sạc cho xe điện Việt Nam" của bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc phát triển trạm sạc pin VinFast tại "Hội thảo hạ tầng xe điện Việt Nam" đã nêu bật cơ hội phát triển ngành sản xuất xe điện tại Việt Nam và việc triển khai xây dựng hệ thống trạm sạc cho xe điện tại Việt Nam.
Dưới đây là nội dung bài tham luận:
Các nước trên thế giới đang đầu tư gì cho hạ tầng trạm sạc và xe điện?
5 năm qua, số xe điện tăng 5 lần từ 2015 đến 2020, từ 580 nghìn xe (2015) lên 2,3 triệu xe (2020). Xe điện tăng trưởng đến từ sự đầu tư mạnh mẽ của các nước trên thế giới.
Như ở Trung Quốc, năm 2015 đã ban hành chỉ thị về tăng tốc phát triển hạ tầng cho xe điện. Theo đó, 100% khu dân cư mới sẽ có trạm sạc cho xe điện.
10% chỗ đỗ xe tại các toà nhà công cộng sẽ được ưu tiên cho xe và trạm sạc xe điện. Tỷ lệ này ở Bắc Kinh là 25%, ở Quảng Châu là 18%.
Bà Phan Thị Thuỳ Dương, Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin VinFast
Đồng thời Uỷ ban cải cách quốc gia trong năm 2015 cũng đã hướng dẫn phát triển hạ tầng xe điện giai đoạn 2015 – 2020; Uỷ ban Tiêu chuẩn quốc gia cũng ban hành ngay năm đó tiêu chuẩn về trạm sạc.
Năm 2016 Trung Quốc đã ban hành kế hoạch 5 năm về chính sách khuyến khích phát triển hạ tầng phương tiện năng lượng mới, tài trợ 90 triệu NDT cho việc xây dựng các trạm sạc. Với chính sách mạnh mẽ như vậy đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xe điện, trong đó chiếm tới 45% thị phần ô tô điện.
Tại Mỹ, chính quyền Joe Biden cũng đã công bố chính sách 15 tỷ USD cho việc phát triển 500 nghìn trạm sạc xe điện đến năm 2030 trên toàn nước Mỹ.
Thậm chí các nhà làm luật Mỹ còn đanh thúc đẩy việc ban hành đạo luật “tự do cho xe điện”, với khoản ngân sách lớn hơn nhiều so với khoản ngân sách mà chính quyền Joe Biden đã cam kết nhằm thúc đẩy phát triển hàng trăm ngàn trạm sạc điện trên toàn nước Mỹ.
VinFast đang đầu tư gì cho hạ tầng trạm sạc?
VinFast đang tiên phong trong việc kiến tạo hệ sinh thái di chuyển xanh, thông minh và sẵn sàng vươn ra toàn cầu. VinFast cũng chuẩn bị ra mắt dòng xe VF e34, e35 và e36 như đã truyền thông. Và tiếp sau sẽ là các dòng xe VF e33, e32. Chúng tôi cũng đồng thời có các xe bus điện, bắt đầu chạy trên thị trường Việt Nam từ tháng 4/2021. Song song với việc phát triển phương tiện, chúng tôi cũng đã phát triển hệ thống trạm sạc, xưởng dịch vụ và trong đó có dịch vụ mới là cho thuê pin xe điện.
Trong năm 2021, VinFast quy hoạch 2.121 vị trí trạm sạc trên 63 tỉnh thành với trên 2 nghìn trạm sạc với gần 40.000 cổng sạc. Các trạm sạc VinFast sẽ có mặt ở các chung cư, cây xăng, trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe, trường học…. cho khách hàng yên tâm di chuyển trên các cung đường.
Hệ sinh thái xe điện của VinFast
Tiến độ triển khai đến tháng 6/2021 đạt 455 vị trí tại 60/63 tỉnh thành.
Thiết bị sạc VinFast đặt tại các vị trí đỗ xe công cộng có thể đỗ hoặc gửi xe trong thời gian dài; công suất 11kWh (sạc thường AC 11KW); Sạc nhanh DC30KW và Sạc nhanh DC 60KW); Đặc biệt chúng tôi cũng xây dựng các trạm sạc siêu nhanh công suất sạc lên tới 250kW. Các trạm sạc này cho phép đi được 180km sau 15 phút sạc, rất thuận tiện.
Công nghệ sạc và pin trong tương lai còn có nhiều bước cải tiến mới.
Đến tháng 6/2021 chúng tôi đã có gần 700 đối tác trên 60/63 tỉnh thành. Đã lắp đặt được 455 trạm với gần 11 nghìn cổng sạc.
Ngoài các trạm sạc công cộng, VinFast sẽ cung cấp bộ thiết bị chuyển đổi điện để phục vụ sạc tại nhà.
Sạc dễ dàng, thanh toán thuận tiện
Các trạm sạc xe điện VinFast sử dụng công nghệ Autocharge (năm 2021) và Plug&Charge (từ quý III/2022) theo tiêu chuẩn quốc tế ISO-15118. Công nghệ này có thể mang đến trải nghiệm sạc dễ dàng, đơn giản và phương thức thanh toán thuận tiện, bảo mật nhất cho khách hàng. Khách hàng đi trên ô tô có thể sử dụng bản đồ hướng dẫn đến vị trí trạm sạc gần nhất. Khi xe gần hết pin thì sẽ tự đồng tìm kiếm và đề xuất trạm sạc gần nhất. Khi cắm sạc vào xe sẽ tự động xác thực và cấp điện cho xe mà khách hàng không cần sử dụng bất cứ thao tác nào khác…
Chúng tôi cũng cung cấp cho khách hàng công cụ thanh toán phí sạc online một cách dễ dàng, minh bạch và bảo mật, căn cứ vào lượng điện năng đã tiêu thụ sau mỗi lần sạc. Khách hàng có thể biết mình sạc hết bao nhiêu thời gian, điện năng và hết bao nhiêu chi phí. Tra cứu lịch sử giao dịch sạc và lịch sử thanh toán thông qua ứng dụng di động
Xe điện VFe34 đang lùi vào vị trí sạc pin
Nhiều người sẽ phân vân về chi phí sạc. Trong giai đoạn đầu trừ sạc siêu nhanh sẽ có thêm phụ phí, còn lại VinFast sẽ thu phí đúng bằng số tiền điện phải trả cho nhà nước.
Về một số khó khăn của VinFast trong quá trình triển khai trạm sạc, gồm: Quy định pháp luật còn trống vì còn mới. Ở nhiều địa phương có thể còn phân vân nên chưa cho triển khai; Chưa có quy hoạch hệ thống trạm sạc đồng bộ với hạ tầng điện khiến các đơn vị khi phát triển hạ tầng trạm sạc gặp nhiều khó khăn trong việc đấu nối với điện lực, hoàn thành các thủ tục và chi phí để kéo đường điện rất tốn kém, phức tạp và mất thời gian; Trạm sạc rất thuận lợi ở các bãi đỗ xe nhưng vấn đề thiếu chỗ đỗ xe trong các khu đô thị là vấn đề tồn tại, khá “nóng” dù các trạm chiếm diện tích rất nhỏ.
Việt Nam đang đứng trước “cơ hội vàng” để phát triển ngành xe điện
Việt Nam có ưu thế tự nhiên là có tiềm năng phát triển nguồn điện sạch rất lớn (điện gió, điện mặt trời có số giờ nắng rất lớn). Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện điện hóa.
Việt Nam gần như đang ở cùng xuất phát điểm với các nước trong khu vực. Thậm chí Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực có doanh nghiệp nội sản xuất thành công ô tô điện, các nước lân cận gần như chưa có. Việt Nam có cơ hội để vươn lên dẫn trước trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô điện trong khu vực.
Căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo ra làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước lân cận. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đang chạy đua hết sức mạnh mẽ để thu hút đầu tư. Ngay cả Singapore, vốn đã ngừng sản xuất ô tô gần 30 năm nay, hiện cũng đã có dự án phát triển ô tô điện.
Với các cơ hội đó có thể thấy chúng ta đang ở cùng hoặc nhỉnh hơn các nước trong khu vực. Chúng tra cần kịp thời nắm bắt, nếu chậm trễ, để một hai năm nữa, khi các nước trong khu vực đã hoàn thiện nền tảng pháp lý và hạ tầng trước ta, Việt Nam sẽ mất đi cơ hội hiếm hoi có một không hai này.
VinFast kiến nghị những chính sách gì?
Với vai trò là doanh nghiệp đi đầu và trải nghiệm nhiều khó khăn trong việc phát triển hạ tầng trạm sạc, chúng tôi có một số kiến nghị với Chính phủ:
Nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật, đưa trạm sạc pin trở thành một hạng mục bắt buộc phải có trong hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ; hạ tầng đô thị. Cụ thể như sau:
Bổ sung quy định bắt buộc “có bố trí khu vực ưu tiên cho phương tiện chạy bằng điện và trạm sạc (nạp) pin” tại các bãi đỗ xe, các công trình công cộng, dịch vụ, các khu chung cư, trung tâm thương mại, các tòa nhà cơ quan nhà nước, khuôn viên nhà máy xí nghiệp.
Với Trung Quốc, đấy là những quy định bắt buộc nhưng với Việt Nam chúng tôi kỳ vọng nếu chưa bắt buộc thì cần đưa vào thành một công năng cần có tại các bãi đỗ xe.
Mạng lưới trạm sạc của VinFast đang triển khai trên 63 tỉnh thành
Bổ sung trạm sạc pin, đổi pin cho các phương tiện chạy điện vào các hạng mục bắt buộc phải có tại trạm dừng nghỉ, công trình đường bộ, điểm đấu nối giao thông.
Bổ sung quy định về “Dịch vụ sạc pin; đổi pin cho phương tiện chạy bằng điện là dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Trong đó tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ đổi, sạc pin cho phương tiện chạy bằng điện thì được thừa nhận là hợp pháp và được thu tiền”. Vì sao dịch vụ sạc pin cần phải trở thành dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ mà trạm sạc nhiên liệu không phải? Lý do dịch vụ sạc pin thuận lợi nhất khi nằm trong các bãi đỗ xe, bãi trông xe, xưởng dịch vụ bảo dưỡng mà các vị trí này đã nằm trong danh mục các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Ngoài ra cần đưa quy hoạch trạm sạc vào quy hoạch hạ tầng giao thông, đô thị và quy hoạch mạng lưới hạ tầng điện đi kèm theo một cách đồng bộ. Xe điện là xu thế tất yếu. Để bắt kịp xu thế thì quy hoạch đó cần phải đồng bộ thì mới có sự phát triển bền vững, lâu dài. Có thể chúng ta làm quy hoạch trước, sau đó các nhà đầu tư thuộc các loại hình khác nhau hay ngay cả Nhà nước cũng có thể đầu tư. Tuy nhiên cần thiết phải có quy hoạch dài hạn, đồng bộ thì mới tối ưu được hạ tầng trạm sạc.
Bộ Tài chính, Bộ GTVT sớm kiến nghị Chính phủ có quy định về phương tiện đầu tư công mới (xe con, xe buýt) phải nên ưu tiên là xe điện. Hiện ở nhiều quốc gia đã có quy định bắt buộc. Trong đó có chính sách khuyến khích đầu tư xe vận tải công cộng (taxi, xe khách, xe du lịch) là xe điện, ví dụ miễn thuế, phí, ưu đãi lãi suất, không hạn chế xe điện đi vào phố cấm…
Có chính sách ưu đãi miễn giảm các loại thuế, ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trạm sạc.
Cuối cùng chúng tôi kỳ vọng các chương trình truyền thông như Báo Giao thông làm ngày hôm nay sẽ được thực hiện mạnh mẽ để truyền thông về các lợi ích của xe điện và xu thế phương tiện của tương lai, tăng cường nhận thức của người tiêu dùng về tương lai của xe điện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận