Bán mỗi chiếc ô tô, VinFast thu về bao nhiêu tiền?
Rất nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi hãng xe Việt VinFast công bố giá bán các sản phẩm ô tô đầu tiên với cam kết “không chi phí khấu hao, không chi phí tài chính vào giá thành sản phẩm và không lấy lãi” nhưng vẫn cao so với những xe cùng phân khúc tại Mỹ. Tuy nhiên theo đại diện hãng xe này, với mỗi chiếc VinFast Fadil giá khoảng 370 triệu đồng được bán ra, VinFast chỉ thu về khoảng 249 triệu đồng. Tương tự, đối với Lux A 2.0 giá 800 triệu đồng đã phải chịu mức thuế là 228 triệu đồng, VinFast chỉ thu về khoảng 571 triệu đồng.
Trước những thắc mắc như: “Fadil này tương tự Chevrolet Spark, Kia Morning, giá xuất xưởng có 3.500 USD, tương đương 85 triệu tiền Việt, tại sao bảo không lấy lãi mà lại bán ra hơn 300 triệu nhỉ?” hay “Chevrolet Spark 2018 Mỹ mới 13.000 USD. Fadil 2018 Việt Nam mới 19.000 USD. Rẻ hơn ở đâu?”, một chuyên gia tài chính cho biết, sự so sánh này là khập khiễng, chưa hiểu rõ các loại thuế và chi phí đang áp lên ô tô tại Việt Nam.
Chẳng hạn, mức giá 800 triệu đồng của chiếc VinFast Lux A2.0 sau ưu đãi chỉ là bảng cộng gộp của giá thành sản phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt và chi phí bán hàng. Cơ cấu giá này không bao gồm chi phí lãi vay ngân hàng, khấu hao máy móc nhà xưởng, tiền lương, lợi nhuận...theo nguyên tắc tài chính thông thường.
Tính riêng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ nộp ngân sách Nhà nước, chiếc VinFast Lux A2.0 giá 800 triệu đồng đã phải chịu mức thuế là 228 triệu đồng, VinFast chỉ thu về khoảng 571 triệu đồng. Với chiếc VinFast Fadil, mức thuế tiêu thụ đặc biệt nộp cho nhà nước là khoảng 87 triệu đồng, nghĩa là thực tế hãng xe chỉ bán cho khách hàng chiếc xe có giá 249 triệu đồng. Câu chuyện này tương tự với giá của SUV VinFast SA2.0.
Theo chuyên gia, nếu so sánh giá của xe hơi bán tại Việt Nam nói chung và xe VinFast nói riêng với dòng xe tương tự ở các nước, cần so sánh mức giá không bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngoài ra còn phải kể tới thuế linh kiện nhập khẩu 10% - 25% tùy loại. Mặc dù VinFast đặt mục tiêu nội địa hóa lên tới 60% thì ở giai đoạn đầu, với 20 - 30 ngàn linh kiện trên mỗi chiếc xe, họ vẫn phải nhập khẩu hầu hết, bởi lộ trình nội địa hóa chắc chắn không phải một sớm một chiều là đạt được.
Giá ô tô ở Việt Nam đang “cõng” những chi phí nào?
Cùng khu vực ASEAN, vì sao giá xe ở Indonesia và Thái Lan rẻ hơn Việt Nam?
Ở Thái Lan và Indonesia có chính sách khuyến khích người dân sử dụng xe hơi nhỏ nên đánh thuế tiêu thụ thấp, chỉ ở mức 3% -10%. Trong khi đó, mức thuế thấp nhất ở Việt Nam đã là 35%, cùng cách thuế đánh chồng lên thuế khiến giá xe tại Việt Nam cao hơn nhiều Thái Lan và Indonesia mặc dù cả 3 nước đều thuộc nhóm có thuế ô tô cao.
Việt Nam nằm trong nhóm thuế ô tô cao với 15 loại thuế, phí các loại trước khi lăn bánh. Trong đó, ô tô ở Việt Nam thuộc hạng mục hàng hóa xa xỉ, phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ 35% - 60%, tiếp đó là thuế nhập khẩu. Xe sản xuất, lắp ráp trong nước chịu thuế nhập khẩu linh kiện còn xe nhập nguyên chiếc phải chịu thuế nhập khẩu xe, mức thuế thậm chí có thể lên tới 70 % đối với xe có nguồn gốc xuất xứ ngoài ngoài khu vực ASEAN.
Đặc biệt, đối với ô tô, nguyên tắc đánh thuế được áp dụng là thuế chồng thuế, tức thuế mới sẽ tính dựa trên giá xe đã cộng các thuế cũ theo thứ tự: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và cuối cùng là thuế VAT. Đây là lí do vì sao cùng một loại xe giá ở Việt Nam lại cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần giá xe ở nhiều nước khác.
Theo các chuyên gia, trong cơ cấu giá thành xe sản xuất ở Việt Nam hiện nay, thuế và phí chiếm tới 45% - 55%, còn lại là chi phí sản xuất xe. Tuy nhiên, chi phí này cũng tiếp tục cao hơn 20% so với các nước trong khu vực vì Việt Nam nhập khẩu tới 80% linh kiện. Nhưng nếu tỉ lệ nội địa hóa càng cao, giá xe sẽ cạnh tranh hơn rất nhiều. Việc nâng cao tỷ lệ nội địa hóa là điều mà nhiều hãng xe như Thaco, Toyota Việt Nam, Hyundai Thành Công hay VinFast đang hướng tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận