Sau 2 ngày xét xử sơ thẩm, cuối ngày 5/6, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ buôn lậu 91 xe BMW liên quan đến Công ty CP ô tô Âu Châu (Euro Auto).
Theo đó, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Đăng Thảo (SN 1974, cựu Tổng giám đốc Euro Auto) 9 năm tù, Nguyễn Thị Minh Yến (SN 1982, cựu Trưởng phòng Kế hoạch, quản lý sản phẩm và phân phối Euro Auto) 5 năm tù và Trần Hải Đăng (SN 1974, cựu Phó giám đốc công ty TNHH TM dịch vụ giao nhận Việt Á 7 năm tù cùng về tội buôn lậu.
Bên cạnh đó, Toà buộc Công ty Euro Auto phải nộp lại 60 tỉ đồng tương đương trị giá 91 xe ô tô đã nhập sau khi đã khấu trừ đi số thuế đã nộp.
Theo HĐXX, Thảo và đồng phạm làm giả hồ sơ, hóa đơn 91 xe BMW có giá thấp hơn giá của nhà sản xuất, xâm phạm hoạt động quản lý kinh tế, thuế của Nhà nước. Tuy nhiên, các bị cáo thành khẩn khai báo, nhân thân tốt, không hưởng lợi cá nhân mà làm theo chỉ đạo của công ty... "Đặc biệt, bị cáo Thảo là Top 100 doanh nhân có nhiều đóng góp cho cộng đồng nên HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt", Chủ tọa phiên toà cho biết.
Theo hồ sơ vụ án, các công chức Hải quan được phân công tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ và trực tiếp kiểm hóa đối với 91 xe ô tô do Công ty Âu Châu nhập khẩu từ ngày 19/7/2013 đến ngày 4/9/2013. Kết quả quá trình tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ được thực hiện thủ công nên không phát hiện các hóa đơn, chứng từ do Công ty Âu Châu làm giả để khai báo hải quan. Việc kiểm hóa thực tế được thực hiện theo đúng quy định như: Kiểm tra tên hàng, mã số, số lượng, trong lượng, chủng loại, chất lượng, nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, ngày sản xuất và đối chiếu phù hợp giữa hàng hóa thực tế với hồ sơ hải quan điện tử. Do vậy, Cơ quan điều tra không đề cập xem xét xử lý.
Đối với các cán bộ thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, được phân công tiếp nhận hồ sơ, tiến hành kiểm tra thực tế 91 xe ô tô do Công ty Âu Châu nhập khẩu. Tài liệu điều tra thể hiện, các cán bộ đăng kiểm đã thực hiện đầy đủ nội dung công việc theo quy trình tiếp nhận, kiểm tra xe ô tô. Quá trình đăng kiểm, các cán bộ trên không phát hiện các chứng từ do Công ty Âu Châu cung cấp trong hồ sơ được làm giả. Do vậy Cơ quan điều tra không xử lý.
Trong phiên toà này, bị cáo Trần Hải Đăng đã khai nhận đã làm giả toàn bộ invoice (hóa đơn) của Công ty BMW AG phát hành. Chính Đăng đã tự nghĩ và tạo lập ra các giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa, đăng ký kiểm tra chất lượng để đưa vào hồ sơ khai báo hải quan, nhập khẩu ô tô BMW cho Công ty Euro Auto.
Về việc nhập khẩu 91 ô tô đã được điều chỉnh giá năm 2013, bị cáo Thảo khai: Sau khi công ty nhận được bản điều chỉnh giá 79 ô tô với tổng số tiền 126.400 EUR. Để tránh việc bị thiệt hại trong việc nộp thuế nhập khẩu, công ty đã lập lại hợp đồng mua bán. Qua đó điều chỉnh giá xe thấp hơn so với giá của hợp đồng ban đầu và so với invoice do Công ty BMW AG phát hành… Từ đó nộp thuế nhập khẩu sẽ thấp đi.
Cơ quan điều tra xác định, Thảo có vai trò chính trong vụ án, đại diện Công ty Euro Auto trực tiếp ký các chứng từ, tài liệu giả hoàn thiện thủ tục nhập khẩu số xe trên; gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 6,45 tỷ đồng thuế các loại. Những chiếc xe này được bán cho khách với giá tổng cộng hơn 206 tỷ đồng. Do người mua không biết những sai phạm của công ty trong việc nhập khẩu nên cơ quan chức năng không thu hồi.
Theo HĐXX, Thảo và Chủ tịch HĐQT Euro Auto - Simon Andrew Rock còn liên quan đến hành vi nhập khẩu 133 ô tô BMW năm 2016, xuất bán 23 xe khi chưa có quyết định thông quan; nhập khẩu 81 xe BMW từ năm 2011 đến 2012 thông qua Công ty AAF (Hong Kong) trốn thuế nhập khẩu khoảng 8 tỷ đồng. Hiện, ông Simon Andrew Rock và một số người liên quan đã xuất cảnh khỏi Việt Nam nên cơ quan điều tra tách thành vụ án khác để xử lý sau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận