15 đại lý, chỉ có 2 cơ sở bảo dưỡng đạt chuẩn
Theo Nghị định 116 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Việt Nam, để được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô thì một trong những điều kiện doanh nghiệp phải đáp ứng là: “Có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê, hoặc thuộc hệ thống đại lý ủy quyền của doanh nghiệp đáp ứng quy định tại Nghị định này”.
Để được cấp giấy phép cơ sở bảo hành bảo dưỡng, ngoài điều kiện về mặt bằng, kho linh kiện, trang thiết bị, đội ngũ nhân lực và hệ thống quản lý chất lượng thì 2 yêu cầu quan trọng nhất, gồm: Phải có thiết bị chuẩn đoán động cơ, tình trạng kỹ thuật của xe. Đặc biệt các cơ sở bảo dưỡng này phải có cam kết hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp linh phụ kiện phục vụ việc bảo hành bảo dưỡng ô tô của doanh nghiệp sản xuất ô tô.
Theo đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam, đây là những quy định nhằm bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng. Phương tiện ô tô phải được bảo hành, bảo dưỡng để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, người tham gia giao thông cũng như duy trì giá trị của chiếc xe mà khách hàng mua. Việc các thương hiệu ô tô có quá ít cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người sử dụng ô tô, gây ra nhiều khó khăn, bất tiện cho khách hàng mua xe.
Chiếc MG HS 2.0 Trophy của khách hàng sửa 5 lần nhưng chưa khắc phục được lỗi
Soi chiếu với trường hợp của TC Services Việt Nam phân phối ô tô con nhãn hiệu MG thì thấy, tuy thương hiệu này đã có tới 15 đại lý trên cả nước nhưng hiện mới chỉ có 2 cơ sở bảo hành bảo dưỡng được cấp giấy chứng nhận. Điều đáng nói, cả 2 cơ sở bảo hành bảo dưỡng này đều nằm ở các địa phương là Hải Phòng và Bắc Ninh.
Tại Hà Nội (3 đại lý) và TP. Hồ Chí Minh (2 đại lý) chưa có cơ sở bảo hành bảo dưỡng nào của MG đạt chuẩn theo quy định tại Nghị định 116.
Cụ thể, hiện MG mới chỉ có 2 cơ sở bảo hành bảo dưỡng chính hãng được cấp giấy chứng nhận theo Nghị định 116 là Công ty Cổ Phần Thương mại KYLIN - GX668 (địa chỉ Số 68 Phạm Văn Đồng Phường Anh Dũng, Quận Dương Kinh, Hải Phòng) và Công ty TNHH TC Services Việt Nam (địa chỉ Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Có lẽ chính việc thiếu các cơ sở bảo hành bảo dưỡng đạt chuẩn trong khi lại ồ ạt mở rộng các đại lý đã khiến khách hàng của thương hiệu này rơi vào tình cảnh "mua xe 3 tuần sửa đến 5 lần" như Báo Giao thông đã phản ánh.
Chiếc MG HS 2.0 Trophy của khách hàng T.S đã được đưa ra phương án thay thế thử cảm biến từ 2/4/2021 nhưng đến 24/7 vẫn chưa được thay thế
Khách hàng lãnh đủ vì thiếu linh kiện, phụ tùng sửa chữa?
Người sử dụng khi quyết định mua xe cần chú ý đến yếu tố có dễ dàng tiếp cận với dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa mọi nơi, mọi lúc hay không. Bên cạnh đó cần xem xét kỹ các địa điểm bảo hành mà bên bán hàng công bố.
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng
Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Viện Cơ khí động lực (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, khi đánh giá chất lượng ô tô phải đánh giá tổng thể, bao gồm cả chất lượng sau bán hàng. Cái xe còn đi nhiều chứ không phải bán xong cái xe là xong. Các hãng phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình.
Trên thực tế, từ vụ việc một số xe MG HS 2.0 Trophy bị lỗi ngay sau khi mới mua, có thể thấy việc có quá ít cơ sở bảo hành bảo dưỡng đạt chuẩn đã gây những khó khăn trong việc khắc phục những hư hỏng của xe, gây bức xúc đối với khách hàng.
Như chiếc MG HS 2.0 Trophy của một khách hàng đã được Báo Giao thông phản ánh, sau khi mua và phát hiện xe bị lỗi, vị khách này đã mang tới đại lý MG Lê Văn Lương, có xưởng dịch vụ tại số 68 phố Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy (Hà Nội). Tuy nhiên, có lẽ do xưởng dịch vụ này chưa đạt chuẩn, thiếu các trang bị và cam kết về linh kiện phụ tùng nên khách hàng phải mang xe tới đại lý 5 lần mà vẫn chưa khắc phục được lỗi.
Ở chiếc xe khác cũng dính lỗi tương tự, khách hàng cho biết dù mua xe tại đại lý ở Long Biên (Hà Nội) nhưng sau nhiều lần xưởng dịch vụ tại đây không phát hiện ra lỗi đã phải mang xe tới xưởng dịch vụ của MG ở tận Bắc Ninh để sửa chữa nhưng đến nay cũng chưa khắc phục được.
Bên cạnh đó, cách xử lý của TC Services Việt Nam cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về khâu chăm sóc khách hàng. Chủ nhân chiếc xe bị lỗi cảm biến cho biết, tuy được hãng đề xuất thay thế thử cảm biến khác nhưng từ 2/4/2021 tới tháng 6/2021 anh mới được hẹn đến đại lý để sửa chữa. Tuy nhiên khi mang xe đến thì lại được trả lời chưa có phụ tùng. Đến tận thời điểm Báo Giao thông phản ánh (ngày 24/7/2021), khách hàng này vẫn chưa được thay thế phụ tùng như phương án mà hãng đưa ra.
Câu hỏi đặt ra là có hay không khi khách hàng làm “làm căng” hãng mới vào cuộc? Hay việc cung cấp linh kiện, phụ tùng chính hãng gặp vấn đề?
PV Báo Giao thông đã liên hệ với đại diện TC Services Việt Nam, chuyển một số câu hỏi liên quan đến vụ việc nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi đáp. Bên cạnh đó, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng cho biết sẽ yêu cầu hãng báo cáo theo phản ánh của báo chí.
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận