Ngay sau khi Nghị định 70 quy định giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng, nhiều đại lý ô tô “vỡ trận” vì lượng khách đến mua xe và xuất hóa đơn quá đông.
Đại lý xe nội tất bật chốt hợp đồng
Những ngày qua, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông tại một loạt các đại lý ô tô trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, lượng khách tới xem xe, nộp tiền, ký hợp đồng mua xe tăng đột biến.
Tại showroom Hyundai Phạm Văn Đồng sáng 30/6 ước chừng có khoảng 30 khách tới showroom làm các thủ tục để nhận xe. Dù khách khá đông nhưng theo nhân viên bán hàng tại đây, lượng khách ngày 29/6, ngày đầu Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ chính thức áp dụng còn đông hơn nhiều.
Theo quan sát, các bàn tư vấn bên ngoài showroom chật kín khách, nhiều người phải đứng nghe nhân viên tư vấn hoặc được mời vào khu vực phòng chờ dịch vụ để trao đổi.
Anh Kỷ (phòng bán hàng Hyundai Phạm Văn Đồng) cho biết, đa số các khách hàng đến đều yêu cầu dẫn thẳng tới quầy nộp tiền để đóng nốt tiền cho chiếc xe đã đặt cọc từ cuối tháng 5, đầu tháng 6, chờ xuất hóa đơn để đi nộp lệ phí trước bạ và đăng ký xe.
Chỉ tính riêng 2 ngày 29-30/6, có khoảng 100 xe tại đại lý Hyundai Phạm Văn Đồng được xuất hóa đơn, trong đó có hơn 30 khách hàng ký hợp đồng mới, số còn lại đã đặt cọc xe từ trước. “Doanh số này chiếm tỷ lệ cao so với doanh số cả 3 tháng vừa qua tại đại lý. Dự kiến, thị trường xe ô tô nội trong thời gian tới đây sẽ khởi sắc nhiều bởi Nghị định giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực đến cuối năm”, anh Kỷ hào hứng nói.
Vui mừng nhận bàn giao xe, anh Hải (trú tại Hà Nội) cho biết, ngày 28/6, đọc thông tin Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ có hiệu lực, anh đến ngay Hyundai Phạm Văn Đồng để đóng nốt tiền và nhận bàn giao chiếc xe Hyundai SantaFe đã đặt cọc trước đó. “Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ được áp dụng giúp tôi tiết kiệm được 60 triệu đồng. Mừng lắm, bõ công chờ gần 1 tháng qua”, anh Hải phấn khởi nói.
Chị Thủy, nhân viên bán hàng tại Mazda Hà Đông cho biết, chỉ tính riêng 2 ngày 29- 30/6, chị Thủy chốt hợp đồng mua xe cho khoảng 12 khách hàng, gấp đôi doanh số hàng tháng so với trước đây.
Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc VinFast Thăng Long (đường Trịnh Văn Bô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hơn 1 tháng nay, đại lý phải thuê bãi trông cho 30 chiếc xe đã được khách hàng đặt cọc nhưng chưa lấy xe để chờ giảm phí trước bạ, mỗi xe mất ít nhất 600 nghìn đồng/tháng, khiến chi phí tăng đáng kể. “Tuy nhiên, trong 2 ngày 29-30/6, đã có hơn chục xe được khách đến đóng nốt tiền, xuất hóa đơn và nhận xe, giúp đại lý giảm được áp lực về mặt tài chính”, ông Vinh cho biết thêm.
Ghi nhận tại showroom Ford Hà Nội đang phân phối 2 mảng cả xe nhập khẩu và xe lắp ráp, nhiều khách hàng băn khoăn trước việc được giảm phí trước bạ, liệu đại lý có “cắt gọt” bớt chính sách ưu đãi mà hãng và đại lý đang áp dụng với xe nội hay không.
Một nhân viên kinh doanh tại Ford Hà Nội cho biết, hiện Ford chỉ lắp ráp nội địa mẫu xe Ford Ecosport, được công ty cam kết bảo lưu mọi chính sách ưu đãi. “Ví dụ, chiếc Ford Ecosport bản cao nhất có giá niêm yết là 648 triệu đồng, áp dụng mức ưu đãi “kịch kim” trước thời điểm Nghị định 70/2020 có hiệu lực, mức giá đến tay khách hàng chỉ từ 600 - 605 triệu đồng. Sau khi Nghị định 70 được ban hành, mức giá giao xe cũng chỉ là 610 triệu đồng, tăng không đáng kể”, nhân viên này cho hay.
Các đại lý đồng loạt giảm ưu đãi
Tuy nhiên, trước động thái giảm 50% lệ phí trước bạ nhiều đại lý ô tô đang có xu hướng giảm bớt ưu đãi, khiến giá xe không còn tốt như trước khi được giảm phí. Ví dụ như trước đây, Toyota Vios được đại lý giảm giá từ 20 - 25 triệu đồng nhưng nay chỉ còn khoảng 10 triệu đồng. Một số mẫu xe của Hyundai như Kona hay SantaFe cũng tăng giá từ 10 - 30 triệu đồng so với tháng 5. Hay mẫu xe lắp ráp duy nhất của Honda là City cũng không còn duy trì mức ưu đãi như hồi tháng 6. Mức giảm 30 - 40 triệu đồng cho Honda City được các đại lý giảm xuống còn khoảng 15 triệu đồng.
Bên cạnh đó, dòng Mazda 3 mới đang có mức giảm 35 - 45 triệu tháng 6 hiện cũng chỉ còn 20 - 30 triệu. CX-5 giảm khoảng 100 triệu trước tháng 7, hiện chỉ còn một nửa.
Có ý kiến cho rằng động thái này của các hãng xe, đại lý sẽ ảnh hưởng đến chính sách kích cầu thị trường ô tô của Chính phủ. Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban chính sách (Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), việc này rất khó đánh giá bởi mỗi hãng xe sẽ phải tự cân đối theo thực tế, nhu cầu và sức cung của mình để đưa ra giá bán. Về bản chất, tổng giá cuối cùng đến tay khách hàng là câu chuyện thỏa thuận giữa người mua và người bán, thuận mua vừa bán. Không có chuyện được ưu đãi, 100% lợi ích sẽ thuộc về người bán hay người mua. “Nếu không có chính sách Nhà nước thì các đại lý, hãng xe đang phải bán với lượng khách hàng chỉ có từng đó, phải khuyến mại, giảm giá để bán được hàng, phải tốn chi phí. Nhưng có sự hỗ trợ của nhà nước rõ ràng họ sẽ không phải bỏ ra nhiều chi phí đến như vậy. Khi hãng xe hay đại lý giảm giá bản chất là họ đang bỏ tiền túi ra”, ông Hiếu chia sẻ thêm.
Ông Hiếu cũng cho rằng, nếu các hãng xe vẫn tiếp tục giảm giá mạnh, lượng cầu tăng lên, khách đến mua nhiều hơn thì đại lý, hãng xe có thể sẽ phải đối mặt với việc chịu tốn kém thêm nhiều chi phí hơn. Việc các hãng xe, đại lý cắt giảm ưu đãi về bản chất là sự cân đối một cách linh hoạt, tự động của xã hội tìm đến một điểm cân bằng. Khi Nhà nước giảm phí làm mất sự cân bằng, tăng nhu cầu mua xe, hết giảm phí thì lại trở lại như trước.
Tuy nhiên, theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, việc các đại lý cắt giảm ưu đãi là chiến lược sai. “Giảm lệ phí trước bạ là lợi điểm để kích cầu thị trường. Đừng có trách tại sao Chính phủ không giúp. Chính phủ giúp thì phải đưa lợi điểm cho người tiêu dùng. Ở nước ngoài đúng ra rút cuộc là Chính phủ đưa tiền đó cho người tiêu dùng chứ không phải cho doanh nghiệp. Nếu các hãng đồng loạt cắt giảm ưu đãi, người tiêu dùng cũng có thể đồng loạt không mua xe để phản đối”, chuyên gia này chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, VAMA đưa ra dự báo thị trường sẽ tăng khoảng từ 8 - 10% doanh số sau khi Nghị định giảm 50% lệ phí trước bạ có hiệu lực. Tuy nhiên, theo nhận định cá nhân, sẽ không có sự bùng nổ việc mua ô tô. Khách mua xe trong năm nay sẽ tập trung nhiều không phải giai đoạn ngay sau giảm lệ phí trước bạ mà vào những tháng cuối năm. “Bởi khi đó, những người có ý định mua xe đầu năm sau hoặc mua ô tô chơi Tết sẽ tính toán, mua luôn xe cuối năm nay để tiết kiệm được một khoản chi phí. Dự báo tháng cuối năm 2020 và tháng đầu năm 2021 sẽ có sự chênh lệch mạnh về doanh số”, ông Hiếu nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận