Ở chiều ngược lại, thị trường xe cũ, xe lướt rơi vào cảnh “chợ chiều” do không còn lợi thế giá rẻ so với xe mới.
Giảm sức hút vì không rẻ hơn xe mới
Anh Nguyễn Hưng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) dự định mua một chiếc Hyundai Kona đời 2019 vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, sau thời điểm giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp, sau khi đã khảo sát tại nhiều salon xe cũ, anh Hưng đã bỏ cuộc vì thấy giá các mẫu xe lướt (xe đã sử dụng còn mới, đi ít) không chênh nhiều so với xe mới, chỉ khoảng 100 triệu đồng.
Cân nhắc thiệt hơn, anh quyết định vay mượn thêm ngân hàng để tậu xe mới.
Đây là tình trạng phổ biến trong thời gian qua, sau khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô lắp ráp có hiệu lực từ 1/12/2021.
Các mẫu xe lắp ráp chạy lướt, chạy vài nghìn hay một hai vạn km vô tình bị rơi vào thế khó khi giá xe mới không chênh lệch quá nhiều.
Dù chịu ảnh hưởng từ giảm lệ phí trước bạ và dịch Covid-19 song thị trường xe cũ cuối năm nay vẫn sôi động hơn năm trước
Sáng 14/12, có mặt tại đường Trần Thái Tông, nơi tập trung nhiều salon ô tô cũ tại Hà Nội, PV Báo Giao thông ghi nhận tình trạng vắng vẻ, người xem xe thưa thớt, trái ngược với không khí nhộn nhịp tại các showroom ô tô mới.
Nhiều nhân viên bán hàng túm tụm ngồi uống nước, số khác tranh thủ quay video giới thiệu về những chiếc xe có tại đại lý để đăng lên mạng xã hội tìm kiếm khách hàng.
Anh Nguyễn Kiên, Giám đốc salon ô tô cũ CarAz trên đường Trần Thái Tông cho biết, thị trường ô tô cũ đang gặp khó so với 2 tháng trước. Nguyên nhân xuất phát từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho xe mới sản xuất lắp ráp trong nước.
“Đa số khách hàng tìm hiểu xe cũ hiện nay đều có tâm lý nghe ngóng và chọn mua xe mới nhiều hơn do hưởng lợi từ việc giảm lệ phí trước bạ. Những chiếc xe cũ bị ảnh hưởng nhiều nhất là xe nội đời cao 2020 hoặc 2021. Trong khi xe nhập khẩu không có biến động gì nhiều”, anh Kiên chia sẻ.
Chung tình cảnh, anh Nguyễn Văn Đức (salon F1 Auto trên đường Nguyễn Chánh, Hà Nội) cho biết, doanh số tại salon tháng 12 ước tính bị giảm 30%, bởi đa số khách hàng có nhu cầu đều lựa chọn mua xe mới để hưởng mức phí trước bạ thấp.
Không chỉ ở các salon ô tô tại quận Cầu Giấy, chợ xe cũ trên đường Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) cũng trong tình cảnh tương tự.
Anh Nguyễn Anh Tú, một người buôn bán xe cũ tại đây cho biết: “Lượng xe bán ra tháng này ước tính giảm khoảng 40% so với trước. Bình thường trung bình mỗi tháng các salon bán ra 30 xe nhưng nay chắc còn chỉ khoảng hơn 15 xe. Tuy nhiên do đang mùa cao điểm mua sắm ô tô đi Tết nên chưa phải bán lỗ hay giảm lãi để bán được xe vì nhu cầu của người dân còn rất lớn”, anh Tú nói thêm.
Mặt bằng giá xe cũ sẽ giảm
Tuy sức mua ô tô cũ sụt giảm song chưa xuất hiện tình trạng phải chịu lỗ để bán được xe
Tuy việc mua bán ô tô đã qua sử dụng có chậm hơn song theo nhiều chủ salon ô tô cũ, so với năm ngoái, thị trường ô tô cũ cuối năm nay bán tốt hơn do tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế ổn định hơn.
Khi giá lăn bánh xe mới giảm thì mặt bằng giá xe cũ mua vào của các salon cũng giảm theo.
“Với nhiều người có điều kiện, do lo ngại lây nhiễm dịch bệnh từ việc đi taxi hay Grab nên họ sẽ muốn tìm kiếm một chiếc xe cá nhân và lựa chọn mua ô tô cũ. Hầu hết ngày nào salon của tôi cũng có khách hỏi xe, trung bình bán được 30 chiếc/tháng, trong đó, bán chạy nhất là các xe từ 500 triệu đồng trở xuống”, anh Kiên cho biết.
Theo anh Nguyễn Kiên, chủ salon CarAz, Trần Thái Tông, Hà Nội, để thu hút khách hàng trong thời điểm này, các salon bán xe cũ đang phải đưa ra chính sách bao trọn các thủ tục sang tên, đổi biển vào giá bán xe. Cách làm này được rất nhiều khách hàng hài lòng vì tiện lợi và rõ ràng về tài chính.
Bên cạnh đó, để tránh phải cắt lỗ hay giảm giá để bán được xe, các salon đều có sự chủ động trong khâu nhập hàng. Về giá bán xe, anh Đức cho biết, salon đang có sự ổn định về giá bán, không phải giảm nhiều để đẩy hàng vì đã có sự chuẩn bị từ trước, ngay từ khi thông tin giảm lệ phí trước bạ dành cho xe mới, sản xuất lắp ráp trong nước rộ lên trong tháng 10 và 11.
“Salon mua lại xe với giá thấp hơn để khi bán ra giá cạnh tranh hơn, tập trung vào những xe đời cao hiện đã bão hoà về giá và những xe phổ thông không bị rơi giá. Điển hình như Mazda 3 đời 2017, tháng 10/2021, salon bán ra với giá 520 triệu đồng thì bây giờ vẫn bán được với giá đó”, anh Đức cho biết thêm.
Dự đoán được tình hình, nên ngay từ khi có thông tin sẽ ban hành nghị định về giảm 50% lệ phí trước bạ dành cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước, salon CarAz đã nhanh chóng điều chỉnh giá xe cũ thấp hơn để “thoát hàng” trước thời điểm chính sách có hiệu lực.
Đồng thời, tìm mua các mẫu xe khác với giá mới rẻ hơn để có thể bán nhanh ngay cả khi xe mới, sản xuất, lắp ráp trong nước được hưởng lợi.
“Chúng tôi tập trung mua lại những xe có độ an toàn cao, xe đời 2016, 2017 có khả năng thanh khoản tốt, mức khấu hao đã tương đối nhiều nên ít bị ảnh hưởng bởi chính sách giảm lệ phí trước bạ”, anh Kiên nói.
Bên cạnh đó theo anh Kiên, có một số mẫu xe không cần điều chỉnh giá vẫn có thể bán được như Kia Cerato 2019 hay ô tô thương hiệu Hyundai. Bởi khi được giảm lệ phí trước bạ, một số mẫu xe Hyundai đều bị cắt ưu đãi tại đại lý và bán với đúng giá niêm yết nên thực tế, khách mua xe mới không được hưởng lợi nhiều.
“Với những xe này, giá bán ô tô cũ vẫn giữ nguyên, thậm chí bán cao hơn thời điểm trước. Tuy nhiên, với những xe mới là xe sản xuất, lắp ráp trong nước đang được hưởng ưu đãi lệ phí trước bạ nhưng vẫn được các đại lý ưu đãi thêm về tiền mặt, phụ kiện như VinFast Lux A2.0, Lux SA2.0 hay Mazda CX-5, Mazda CX-8 thì giá xe cũ buộc phải bán thấp đi để tăng khả năng cạnh tranh với xe mới”, anh Kiên cho biết.
Ngoài ra, theo nhiều chủ salon, việc tạo dựng được niềm tin với khách hàng cũng là yếu tố giúp các salon bán được xe dù thị trường xe cũ có phần ảm đạm.
Các chủ salon đều hy vọng tháng cận Tết sắp tới, thị trường sẽ phục hồi trở lại để có thể bù đắp phần nào chi phí mặt bằng, vốn trong những tháng buộc phải đóng cửa do giãn cách xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận