Phát biểu tại Hội thảo "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm" do Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (TDSI) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các cơ quan liên quan tổ chức ngày 4/11, ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ, Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy cao.
Theo ông Trần Hữu Minh, đến thời điểm tháng 9/2024 đã có 77 triệu xe máy đăng ký, đưa tỷ lệ sở hữu xe máy trên 1.000 dân tới 770 xe, thuộc hàng cao nhất thế giới.
Trong bối cảnh đặc thù về quy hoạch xây dựng và bất cập về hạ tầng giao thông, các lợi thế của xe máy như tốc độ khá cao, có khả năng chuyên chở, sự linh hoạt, thuận tiện, cơ động, tiện nghi, chi phí vận hành rẻ... càng được phát huy lên gấp bội khi được so sánh với các phương tiện vận tải khác.
Nhưng một trong những nhược điểm của xe máy là độ an toàn thấp. Tuy nhiên, trong môi trường xe máy là một phương tiện chủ đạo (chiếm tới 85%), các phương tiện khác phải tuân theo dòng xe máy, người đi xe máy có được sự an toàn hơn (lý thuyết an toàn hơn với số đông), tốc độ thấp trong đô thị cũng giúp khắc phục nhược điểm an toàn của xe máy.
Với số giờ nắng cao (1.700-2.600/năm), dải nhiệt độ thông thường 10-37% rất thuận lợi cho xe máy.
Trong khi tại nhiều quốc gia người dân không thể đi xe máy do quá nóng, quá lạnh, trong khi tại Việt Nam có thể dùng quanh năm. Những yếu tố đặc thù đó tạo nên tỷ lệ sở hữu và sử dụng xe máy rất cao ở Việt Nam.
Mặc dù có nhiều kế hoạch dự kiến quản lý, hạn chế chặt chẽ hơn, xe máy hiện nay vẫn là phương tiện đi lại của số đông người dân Việt Nam, chiếm 85-90% lưu lượng phương tiện trên đường và liên quan tới 60-70% số vụ TNGT.
Theo các nghiên cứu gần đây, xe máy hiện tại và tương lai với số lượng mẫu khảo sát lớn hàng nghìn phiếu, đều cho thấy xe máy vẫn tiếp tục gia tăng, thậm chí phần lớn các hộ gia đình có điều kiện sở hữu ô tô vẫn giữ xe máy để đáp ứng những mục tiêu nhất định trong cuộc sống.
Trong nhiều năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm trật tự ATGT tại Việt Nam đã đạt được những kết quả rất tích cực, trong đó có kết quả bảo đảm ATGT với người đi xe máy, nhóm có tỷ lệ lớn nhất trong tham gia giao thông.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, phương tiện xe máy tại Việt Nam chiếm số lượng lớn, hơn 70 triệu xe; hàng năm trung bình tăng từ 10-15%.
Qua phân tích nguyên nhân các vụ TNGT cho thấy, phương tiện xe máy gây ra trong 10 tháng đầu năm 2024 vẫn chiếm 60% tổng số các phương tiện gây tai nạn.
"Để phòng ngừa xe máy gây TNGT, lực lượng CSGT đã tập trung mở nhiều cao điểm để xử lý; tuy nhiên, cái chính vẫn là ý thức tham gia giao thông của người điều khiển xe máy cần được cải thiện hơn", thiếu tướng Nguyễn Văn Trung nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận