Mẫu xe Innova Venturer vừa được TMV ra mắt tại Việt Nam |
ASEAN-NCAP là chữ viết tắt của ASEAN New Car Assessment Program - gọi là Uỷ ban đánh giá ô tô mới cho các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tổ chức này sẽ đánh giá mức độ an toàn của xe ô tô mới ở Đông Nam Á và xếp hạng theo “tiêu chuẩn sao”, từ 1 đến 5 sao. Chiếc xe nào được xếp hạng sao càng cao thì sẽ càng an toàn.
Về nguyên tắc, ASEAN-NCAP sẽ lựa chọn xe và kiểm tra thử nghiệm các tính năng an toàn (bao gồm cả các phép thử liên quan đến va chạm) của các xe ô tô được bán trong khu vực ASEAN và công khai kết quả thử nghiệm trên website. Các kết quả thử nghiệm được công khai này sẽ góp phần tăng cường nhận thức của người tiêu dùng về tính năng an toàn của xe thông qua việc đánh giá qua hệ thống sao.
Để đạt được tiêu chuẩn 4 sao, chiếc xe phải đạt được tiêu chí với số điểm nhất định về Bảo vệ an toàn cho người lớn (AOP - Adult Occuppant Protection), trong đó bao gồm người lái và hành khách phía trước. Tiếp đến là Bảo vệ an toàn cho trẻ em (COP - Child Occuppant Protection).
Một mẫu xe chỉ có thể đạt được 5 sao khi được trang bị hệ thống Ổn định thân xe điện tử ESC (có thể có tên gọi khác tùy từng hãng xe) và hệ thống Nhắc nhở thắt đai an toàn (SBR - Seatbelt Re-minder) cho hành khách phía trước.
Bắt đầu từ Giai đoạn III năm 2014, quy định thử nghiệm cho việc va chạm hông xe (UN R95) trở thành điều kiện tiên quyết để đạt cấp độ 4 sao trở lên. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2015, điều kiện này đã được hiệu chỉnh lại từ cấp độ 3 sao trở lên.
Ví dụ như đối với mẫu Toyota Innova được ASEAN-NCAP thử nghiệm vào tháng 1/2016. Mẫu xe này với phiên bản không được trang bị hệ thống Ổn định thân xe điện tử chỉ nhận được đánh giá 4 sao cho tiêu chí đánh giá Bảo vệ an toàn cho người lớn và Bảo vệ an toàn cho trẻ em. Tuy nhiên đối với phiên bản trang bị ổn định thân xe điện tử, Innova đã nhận được an toàn 5 sao cho tiêu chí đánh giá Bảo vệ an toàn cho người lớn và 4 sao đối với Bảo vệ an toàn cho trẻ em.
Đánh giá ASEAN-NCAP đối với Toyota Innova trên trang web của ASEAN-NCAP |
Về việc có hay không Toyota Việt Nam (TMV) quảng cáo sai sự thật về chứng nhận NCAP, đại diện TMV khẳng định: “Điều này hoàn toàn không có có sở”. Vị đại diện này cho biết, theo mặc định tiêu chuẩn thiết kế, sản xuất của Toyota Nhật Bản, các xe được sản xuất ra trên toàn thế giới hiện nay đều phải đạt tiêu chuẩn an toàn tối thiểu là NCAP 4 sao. Ngoài ra, những mẫu xe nào được trang bị thêm hệ thống Ổn định thân xe điện tử sẽ nhận được đánh giá an toàn 5 sao NCAP đối với tiêu chí đánh giá Bảo vệ an toàn cho người lớn.
Khi được phóng viên đặt câu hỏi về việc có hay không việc các xe được sản xuất tại từng thị trường có chất lượng khác nhau? Đại diện TMV cho rằng điều này có thể xảy ra. Tuy nhiên, dù chất lượng xe sản xuất ra có thể khác nhau nhưng tất cả đều phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu của Toyota Nhật Bản là tiêu chuẩn an toàn NCAP 4 sao. Xe tại bất kỳ quốc gia nào, dù là Mỹ hay Nhật, các nước trong ASEAN, trong đó có Việt Nam cũng đều phải tuân thủ tiêu chuẩn này.
“Về bản chất, chứng nhận an toàn NCAP chỉ là đánh giá để khách hàng có cái nhìn rõ nét hơn về mức độ an toàn của xe. Còn khi xe đã được sản xuất ra và giới thiệu ra thị trường, chiếc xe đó chắc chắn đã được cơ quan chức năng nước sở tại chứng nhận về chất lượng”, đại diện TMV cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên về thông tin cho rằng, khi công bố các xe Toyota đều đạt tiêu chuẩn 4 sao NCAP trở lên nhưng doanh nghiệp đã không có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết: “Về nguyên tắc, Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ kiểm soát chất lượng An toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường đối với những xe mới được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu theo đúng các tiêu chuẩn của Việt Nam. Việc công bố theo các tiêu chuẩn của các quốc gia khác hay tiêu chuẩn quốc tế như NCAP là do các hãng xe tự đánh giá, công bố và chịu trách nhiệm. Các doanh nghiệp không cần phải thông báo cho Cục Đăng kiểm Việt Nam”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận