Không phải xe hybrid nào cũng được ưu đãi
Trong khoảng một năm trở lại đây, không chỉ xe sang mà những thương hiệu ô tô bình dân cũng tấp nập ra mắt các mẫu xe sử dụng hệ truyền động hybrid.
Sau Toyota Việt Nam (TMV) với ba mẫu xe hybrid gồm Corolla Cross 1.8HEV, Corolla Altis 1.8HEV và Camry 2.5HEV, nhiều thương hiệu ô tô bình dân khác cũng liên tiếp giới thiệu loại xe thân thiện môi trường. Có thể kể tới như Kia với Sorento HEV và PHEV, Hyundai SantaFe HEV.
Hay mới đây nhất, thương hiệu Haval gia nhập thị trường Việt Nam cũng lựa chọn một mẫu xe hybrid để giới thiệu là H6.
Trước đó, Nissan cũng ra mắt Kicks sử dụng công nghệ hybrid hay Volvo bán ra thị trường hai mẫu xe XC60 và XC90 plug-in hybrid. Thời gian tới, Honda Việt Nam cũng thông báo sẽ ra mắt loạt sản phẩn hybrid tới khách hàng.
Có thể thấy, thị trường xe hybrid đang rất sôi động. Với công nghệ xe xanh này, mỗi hãng sẽ có những kiểu loại khác nhau song tựu chung được chia làm hai loại gồm hybrid tự sạc (HEV) và hybrid cắm sạc ngoài (PHEV). Cả hai loại này hệ truyền động đều gồm một động cơ đốt trong sử dụng kết hợp mô-tơ điện.
Trao đổi với PV, đại diện một hãng xe tại Việt Nam cho biết hiện tại, xe HEV không nhận được bất kỳ ưu đãi nào song PHEV lại khác. Xe PHEV hiện đang được hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) chỉ bằng 70% xe động cơ đốt trong có cùng dung tích xy-lanh.
Hiện tại, thuế TTĐB đối với ô tô động cơ đốt trong từ 35-150% tuỳ dung tích xy-lanh nên khi được ưu đãi loại thuế này, xe hybrid sẽ phải chịu thuế trong khoảng từ 24,5-105%.
Dù được ưu đãi song theo doanh nghiệp, mức chênh lập kể trên chưa đủ tạo ra sự hấp dẫn, khiến giá bán xe PHEV vẫn cao hơn nhiều so với xe động cơ đốt trong cùng kiểu loại. Bởi trên thực tế, loại xe này bản chất coi là xe điện, sử dụng nhiều công nghệ hơn, vẫn có động cơ đốt trong lại thêm cả một động cơ điện nên giá thành cao hơn.
Đầu năm 2023, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu dự thảo sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và có đề xuất tiếp tục giảm thuế suất cho ô tô điện và hybrid. Theo Bộ Tài chính, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cần sửa đổi bổ sung quy định rõ loại xe kết hợp xăng-điện là loại nạp điện bằng hệ thống sạc điện riêng (plug-in hybrid).
Chỉ khi doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp các loại xe gồm ô tô điện, ô tô sử dụng pin nhiên liệu, xe hybrid, xe ô tô sử dụng nhiên liệu sinh học hoàn toàn, xe sử dụng khí thiên nhiên mới được miễn thuế linh kiện bắt buộc nhập khẩu.
Điều này được nêu tại Nghị định số 101/2021/NĐ-CP với điều kiện mẫu xe xanh phải có sản lượng tối thiểu 250 xe/ năm hoặc 125 xe/ 6 tháng tuỳ theo cách doanh nghiệp chọn kỳ xét ưu đãi.
Vừa qua, Toyota Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ bổ sung chính sách ưu đãi cho cả xe hybrid, thông qua các chính sách cụ thể như sửa đổi thuế TTĐB theo hướng tính thuế suất dựa trên mức phát thải CO2 mà các nước khác đang áp dụng. Các chính sách này sẽ góp phần khuyến khích người tiêu dùng tìm hiểu sang các phương tiện ít phát thải, thân thiện môi trường hơn một cách ổn định và bền vững.
Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất và sử dụng ô tô điện
Khác với xe hybrid, ô tô điện (BEV) lại nhận được nhiều ưu đãi hơn hẳn để kích thích người dân chuyển đổi sang sử dụng loại phương tiện này.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định, thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô điện chạy pin (BEV) giảm mạnh từ 15% xuống còn 3%, áp dụng từ ngày 1/3/2022 đến 28/2/2027 cho xe chở người từ 9 chỗ trở xuống. Sau thời điểm này sẽ tăng lên mức 11%.
Bên cạnh đó, ô tô điện khi đăng ký để lăn bánh hợp pháp cũng sẽ được miễn lệ phí trước bạ (từ 1/3/2022 và kéo dài trong ba năm). Trong khi đó ô tô động cơ đốt trong hay hybrid (HEV) hiện vẫn phải chịu mức từ 10-12%.
Thực tế cho thấy, nhờ vào việc được ưu đãi mà thời gian qua, nhiều mẫu ô tô điện cả bình dân lẫn hạng sang đã ồ ạt ra mắt thị trường. Ngoài VinFast, TMT Motors cũng đã gia nhập thị trường ô tô điện bằng việc lắp ráp mẫu xe giá rẻ Wuling Honguang Mini EV.
Hay mới đây nhất, TC Motors cũng đã bán ra mẫu xe điện Ioniq 5 lắp ráp. Các thương hiệu xe sang như BMW, Audi hay Mercedes-Benz cũng đã và có kế hoạch ra mắt hàng loạt ô tô điện cao cấp nhưng đều nhập khẩu nguyên chiếc.
Trước đó, tính đến tháng 8/2022, cả nước đã có gần 3 nghìn ô tô điện được sản xuất lắp ráp, nhập khẩu. Nhưng theo thống kê mới nhất của Bộ GTVT, tính đến tháng 7/2023, cả nước có 12.600 ô tô điện. Điều này cho thấy sự tăng trưởng nhanh của loại phương tiện này khi đang được áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ.
Ngoài ra mới đây, Bộ GTVT cũng có đề xuất gửi Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về những chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện.
Trong đó, Bộ đề xuất miễn, giảm lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký biển số đối với người sử dụng xe ô tô điện; thúc đẩy tiếp cận tín dụng, trợ giá trực tiếp cho người mua xe; ưu tiên phát triển xe ô tô điện tham gia kinh doanh vận tải và ưu đãi vốn vay đối với các doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sử dụng ô tô điện và trợ giá cao hơn đối với xe buýt điện.
Ngoài ra, tiếp tục ưu đãi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô điện loại chở người từ 9 chỗ trở xuống là 3% sau ngày 28/2/2027 đối với xe ô tô điện lắp ráp trong nước; Miễn thuế VAT trong 5 năm đầu, giảm 50% cho 5 năm tiếp theo; Miễn lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện trong 5 năm đầu kể từ ngày 1/3/2022. Trong vòng 2 năm tiếp theo (kể từ 1/3/2027): lệ phí trước bạ lần đầu bằng 50% mức thu đối với xe ô tô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Miễn lệ phí cấp biển 3 năm đầu, giảm 50% lệ phí cấp biển cho xe ô tô điện cho 2 năm tiếp theo; Trợ cấp cho người dân một khoản tiền hỗ trợ khi mua ô tô điện để chuyển dịch hành vi tiêu dùng từ xe ô tô chạy xăng, dầu sang xe ô tô điện: khoảng 1.000 USD/ xe (khoảng 23 triệu đồng).
Bên cạnh đề xuất các chính sách ưu đãi để thúc đẩy chuyển đổi xe điện, Bộ GTVT cũng đề xuất hàng loạt các hỗ trợ, ưu đãi để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô điện cũng như xây dựng, đầu tư hạ tầng trạm sạc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận