Các hãng xe tại Việt Nam đang tập trung vào việc đưa ra các mẫu xe sử dụng động cơ tiết kiệm nhiên liệu. Đây là xu thế trên thế giới chứ không chỉ riêng gì Việt Nam. Vậy điều gì quyết định tới mức tiêu hao nhiên liệu của các mẫu xe?
Động cơ tiết kiệm nhiên liệu cần hàm lượng công nghệ cao
Là người từng làm việc cho nhiều hãng ô tô nổi tiếng thế giới tại Đức, Mỹ, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết, mức tiêu hao nhiên liệu của ô tô phụ thuộc vào các yếu tố: thiết kế máy (hệ thống buồng nổ, hệ thống phun nhiên liệu sao cho nhiên liệu được đốt cháy hoàn toàn), trọng lượng xe (trọng lượng xe lớn tiêu hao nhiên liệu lớn hơn), chất lượng nhiên liệu (nhiên liệu không chuẩn, không đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất khiến động cơ hoạt động kém, tài xế phải nhấn ga nhiều lần mới khiến xe hoạt động dẫn đến việc phải phun thêm nhiên liệu vào động cơ, gây tiêu hao nhiên liệu).
Ngoài ra, theo ông Đồng, động cơ tăng áp (turbo), động cơ diesel cũng tiết kiệm nhiên liệu hơn động cơ xăng. Trong đó, động cơ tăng áp (turbo) giúp tăng áp suất dung tích máy làm nhiên liệu cháy tốt hơn, giảm tiêu hao nhiên liệu hơn.
Còn động cơ dầu theo nghiên cứu giảm tiêu hao nhiên liệu 0,3% so với động cơ xăng bởi động cơ dầu, đặc biệt, động cơ dầu tăng áp sẽ tăng công suất xe khiến momen xoắn tăng lên động cơ quay vòng tua chậm hơn khiến nhiên liệu phun ít hơn nhưng lực nén trong buồng nổ vẫn mạnh hơn giúp nhiên liệu cháy tốt hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Cũng bởi thế nên giá ô tô sử dụng động cơ dầu diesel thường cao hơn xe ô tô sử dụng động cơ xăng.
“Ngoài ra, qua thử nghiệm trên xe ô tô cho thấy, các xe ô tô mới chạy có mức tiêu hao nhiên liệu lớn hơn, đến khi xe đi được quãng đường khoảng 20.000km sẽ giảm tiêu hao nhiên liệu vì pittong xe hoạt động trơn tru hơn, ít ma – xát hơn. Tuy nhiên, khi chạy lâu quá khoảng 100.000km, xe sẽ tiêu hao nhiên liệu trở lại”, ông Đồng nói.
Tiến sĩ Trương Mạnh Hùng, giảng viên bộ mô Cơ khí ô tô, Trường Đại học GTVT cho biết, mức tiêu hao nhiên liệu ô tô phụ thuộc chủ yếu vào 3 yếu tố chính.
Thứ nhất là dung tích làm việc của động cơ, động cơ có dung tích lớn thì tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn. Thứ hai phụ thuộc vào loại xe ô tô, ví dụ các xe chuyên dụng như xe đua thể thao, xe quân sự... dù có cùng dung tích nhưng tốc độ động cơ lớn hơn sẽ tốn nhiên liệu hơn so với các xe thông dụng. Thứ ba phụ thuộc vào loại động cơ. Trong đó, động cơ sử dụng nhiên liệu dầu diesel sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn động cơ xăng. Đồng thời, kiểu hoạt động của động cơ (động cơ đốt trong) loại 2 kỳ cũng sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn vì khỏe hơn động cơ 4 kỳ, tuy nhiên lại gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn.
Ngoài ra, mức tiêu hao nhiên liệu của xe ô tô còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: công nghệ phun nhiên liệu (phun điện tử sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn phun cơ khí. Tại Việt Nam, các xe ô tô hiện nay chủ yếu sử dụng hệ thống phun xăng điện tử. Các xe sử dụng hệ thống phun cơ khí chỉ còn ở xe tải), trọng lượng xe, số lượng người chuyên chở, thiết kế hình dáng của xe.
Hiện tại ở Việt Nam, động cơ tiết kiệm nhiên liệu nhất là động cơ hybrid (kết hợp giữa động cơ truyền thống (xăng) và động cơ điện (động cơ lai) bởi khả năng thu hồi năng lượng dư thừa để tận dụng lại của động cơ này giúp nhiên liệu được sử dụng một cách tối ưu, tiết kiệm nhất.
Tiếp sau đó là động cơ diesel turbo, sau đó đến động cơ diesel, động cơ xăng turbo và cuối cùng là động cơ xăng.
Động cơ diesel (đặc biệt động cơ diesel turbo) tiết kiệm nhiên liệu hơn động cơ xăng vì động cơ diesel sử dụng nhiên liệu dầu diesel có số lượng phân tử trong cùng 1 thể tích lớn hơn nhiều lần so với nhiên liệu xăng được sử dụng trong động cơ xăng. Do đó, khi nhiên liệu được đốt cháy sinh ra nhiệt độ cao hơn, áp suất lớn tạo ra công suất và sức kéo lớn hơn giúp vòng quay chậm hơn, khiến nhiên liệu phun ít hơn nên tiết kiệm hơn.
Để tạo ra một động cơ tiết kiệm nhiên liệu cần hàm lượng công nghệ cao, đây cũng chính là sự cạnh tranh trong việc sản xuất của các hãng xe ô tô.
“Xét về công nghệ, động cơ diesel turbo không thay đổi nhiều về kết cấu động cơ so với động cơ diesel, ngoại trừ việc lắp thêm bộ tăng áp cho động cơ, khi động cơ hoạt động, nhiên liệu diesel đã tự cháy ở phía trong buồng đốt.
Tuy nhiên, đối với động cơ xăng, để sinh công, hỗn hợp nhiên liệu và không khí được đốt cháy bởi tia lửa điện từ bugi đánh lửa chứ không tự đốt cháy như diesel nên hệ thống kết cấu động cơ xăng turbo sẽ có công nghệ khác hoàn toàn so với động cơ xăng”, TS. Hùng cho biết.
Xe tiết kiệm nhiên liệu là xu thế chung
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban Chính sách, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) nhận định, các hãng xe tại Việt Nam đang tập trung vào việc đưa ra các mẫu xe sử dụng động cơ tiết kiệm nhiên liệu. Đây là xu thế trên thế giới chứ không chỉ riêng gì Việt Nam. Việc cạnh tranh để tạo ra các động cơ tiết kiệm nhiên liệu hơn đã và đang xảy ra rồi. Khi đến mức không thể giảm tối đa mức tiêu thụ nhiên liệu được nữa thì họ sẽ phải chuyển sang công nghệ khác như hybrid.
Ông Hiếu cho hay, việc một chiếc ô tô sử dụng động cơ tiết kiệm nhiên liệu thì sẽ khiến khách hàng thích hơn bởi xăng dầu theo xu thế thị trường đắt nên khách hàng sẽ quay sang ưa chuộng những mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu để có thể đỡ chi phí trong quá trình sử dụng. Bên cạnh đó, một cái lợi khác của động cơ tiết kiệm nhiên liệu là giúp bảo vệ môi trường, phát thải ít hơn.
“Tại Việt Nam, ô tô sử dụng động cơ dung tích nhỏ từ 1.5 lít trở xuống, tiết kiệm nhiên liệu cũng nằm trong tính toán của các hãng xe để được hưởng ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều hãng đã sử dụng động cơ nhỏ, nhưng có thể lắp thêm bộ phận tăng áp để đảm bảo công suất lớn. Xe sử dụng động cơ này có thuế tiêu thụ đặc biệt thấp nên giá cũng sẽ tốt hơn”, ông Hiếu cho biết thêm.
Theo nhà báo Nguyễn Quốc Bình - Quản trị viên diễn đàn giao thông (OFFB),thế giới nói chung đều cũng hướng tới việc bảo vệ môi trường, tuỳ vào chính sách hàng năm của chính phủ các nước đối với việc xuất khẩu hay nhập khẩu dầu mỏ, giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ bên ngoài, không bị động trước các biến động về giá... tất cả những điều đó đều cần phải có các những động cơ cải tiến để thực sự tiết kiệm.
“Thậm chí theo tôi được biết, ở nhiều quốc gia, chính phủ sẽ đặt ra một chuẩn tiêu thụ nhiên liệu cho năm tới và các nhà sản xuất phải đưa ra lời giải bằng các động cơ của họ”, ông Bình cho biết.
Ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT) cho hay, một chiếc ô tô tiết kiệm nhiên liệu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tiết diện bám của lốp, tự trọng của xe, phương án thiết kế truyền động, độ chia cấp số dải rộng hay hẹp, khí động học, đường kính lốp,… Tuy nhiên hầu hết hiện nay để tiết kiệm nhiên liệu đều sử dụng công nghệ tăng áp. Tăng áp là một máy nén khí để làm cho mật độ ô-xy trong xi-lanh có áp suất lớn hơn bình thường, sẽ đốt cháy tốt hơn. Diesel cũng sử dụng cơ cấu tăng áp như vậy. Nhờ đó, dù sử dụng động cơ dung tích nhỏ nhưng lại cho ra hiệu suất rất tốt.
Tuy nhiên, do nguyên lý hoạt động cơ động cơ diesel là tự cháy, còn động cơ xăng phải cháy cưỡng bức nên hiệu suất của động cơ diesel tốt hơn so với động cơ xăng. Vì vậy, động cơ diesel tiết kiệm nhiên liệu hơn động cơ xăng.
“Để nghiên cứu một động cơ tiết kiệm nhiên liệu đòi hỏi hàm lượng công nghệ cao, đặc biệt hybrid là rất cao. Bởi độ phối kết hợp giữa động cơ đốt trong và động cơ điện là vấn đề hết sức phức tạp để chuyển đổi chế độ nào chạy song song, chế độ nào chạy độc lập, chế độ nào chạy kết hợp các loại địa hình khác nhau, đòi hỏi bộ điều khiển hiện đại. Chung quy của việc tạo ra động cơ tiết kiệm nhiên liệu đều hướng đến mục đích bảo vệ môi trường”, ông Hà chia sẻ thêm.
Trước đó Báo Giao thông đã phân tích dữ liệu và công bố Bảng xếp hạng các mẫu ô tô con tiết kiệm nhiên liệu nhất hiện nay theo từng phân khúc:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận