TS. Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp) ảnh: Nguoiduatin.vn |
Dư luận đang xôn xao việc người mua xe trả góp thế chấp giấy đăng ký xe bản gốc tại ngân hàng bị lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt lỗi không có giấy đăng ký xe. Về vấn đề này, ông có nhận thấy những bất cập nào không?
Trước tiên có thể nói, người sử dụng phương tiện lưu thông ngoài đường nếu không có tranh chấp gì về quyền sở hữu thì không thể buộc người ta phải trưng giấy đăng ký xe bản gốc. Cần phải xem lại quy định đó vì quản lý giấy đăng ký xe có mục tiêu để xem họ có phải là chủ sở hữu của chiếc xe đó hay không. Đó là thuộc về lĩnh vực quản lý quyền sở hữu. Ở đây người dân đi xe ngoài đường thì CSGT chỉ cần kiểm tra xem chiếc xe đó có bảo đảm các điều kiện về an toàn kỹ thuật lưu hành xe như: còi, đèn, phanh hay có bằng lái xe hay không. Nếu quy định chủ phương tiện phải trưng giấy đăng ký xe bản gốc thì chỉ tiện cho lực lượng CSGT nhưng lại làm khó người dân.
Trước đây khi còn là Cục trưởng, khi thẩm định Nghị định này tôi đã phản đối quyết liệt quy định lưu hành phương tiện buộc phải mang đăng ký xe. Như vậy không cần thiết bởi nó có tranh chấp sở hữu đâu mà buộc người ta phải trưng ra. Rất tiếc là quy định đó vẫn được đưa vào.
Đối với vấn đề xe trả góp thế chấp giấy đăng ký xe tại ngân hàng. Tôi nghĩ ngân hàng chắc chăn phải giữ đằng chuôi, họ phải giữ cái gì đó để đảm bảo người vay tiền phải có nghĩa vụ trả tiền. Và việc giữ giấy đăng ký xe bản gốc là một cách.
Vì vậy việc người lưu hành phương tiện để đăng ký xe bản gốc ở ngân hàng mà bị xử phạt lại càng bất cập. Khi ngân hàng họ giữ thì đều có xác nhận là đã giữ bản gốc rồi đưa cho người lưu hành xe thì sao lại xử phạt. Vì thế việc xử phạt như vậy là một cách hiểu hời hợt, hình thức và cứng nhắc. Thiếu gì cách để chứng minh giấy tờ bản gốc đã để ở ngân hàng.
Bộ Tư pháp sẽ có phán quyết Trao đổi với phóng viên, đại diện Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, do đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nên trước khi trả lời dư luận, Bộ sẽ có những trao đổi trước với các cơ quan có liên quan. Dự kiến trong tuần này, Bộ Tư pháp sẽ tổ chức họp báo rộng rãi về vấn đề này. |
Thực tế cho thấy từ trước đến nay, các loại giấy tờ công chứng sao y bản chính được coi là có giá trị như bản gốc. Tuy nhiên trong trường hợp này lại không được CSGT thừa nhận?
Giấy phô tô sao y bản chính cũng là một hình thức để chứng minh việc sở hữu của chủ phương tiện. Theo tôi cách hiểu của CSGT như vậy là quá máy móc. Tôi không đồng ý với quy định này bởi nếu bảo chủ xe không có thì họ có thể về ngân hàng mang ra chứng minh là có thì sao. Nếu quy định phù hợp thì bản sao công chứng có xác nhận của ngân hàng cần phải được chấp nhận.
Thời gian qua, cả Cục CSGT và NHNN đều có các văn bản cho rằng việc ngân hàng giữ giấy tờ gốc của chủ phương tiện mua xe trả góp là không đúng quy định. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, các ngân hàng lại cho rằng, các văn bản nêu trên áp dụng không đúng với tinh thần của Luật Dân sự 2015 mà lại căn cứ vào Luật Dân sự 2005 đã hết hiệu lực. Về vấn đề này theo ông cần phải áp dụng theo các nguyên tắc, trình tự nào?
Một nguyên tắc trong việc ban hành, áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật là văn bản ban hành sau sẽ được ưu tiên về mặt pháp lý. Bên cạnh đó, các thông tư phải phù hợp với nội dung của nghị định. Các nghị định phải phù hợp với luật. Nếu thông tư phù hợp với nghị định mà trái luật thì cũng phải sửa đổi cả thông tư, nghị định vì luật là tiêu chuẩn đầu tiên, có căn cứ cao hơn.
Về giá trị pháp lý thì cả Luật GTĐB và Luật Dân sự có giá trị ngang nhau nhưng nếu có sự mâu thuẫn thì về nguyên tắc bộ luật ban hành sau sẽ được ưu tiên áp dụng (Luật GTĐB ban hành năm 2008; Luật Dân sự ban hành năm 2015 - PV). Còn nếu có gì băn khoăn, vướng mắc thì phải trình Quốc hội xem xét, sửa đổi.
Theo tôi, việc CSGT áp dụng theo Luật GTĐB làm căn cứ để xử phạt là quá cứng nhắc vì lưu hành phương tiện là một chuyện và lưu hành có đủ điều kiện không là một chuyện khác. CSGT chỉ cần kiểm soát về điều kiện phương tiện, điều kiện người điều khiển phương tiện còn giấy tờ chứng minh quyền sở hữu thì có cần CSGT phải tham gia vào không?
Với tất cả những hệ luỵ đối với người dân và dịch vụ cho vay trả góp như trên, theo ông, Bộ Tư pháp cần làm gì để bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp?
Theo tôi, Bộ Tư pháp cần phải nhanh chóng xem xét, đối chiếu, rà soát các văn bản xem có sự mâu thuẫn ở đây không. Tôi nghĩ rằng, nếu các quy định không đảm bảo lợi ích hợp pháp đã được hiến định của người dân thì cần phải có kiến nghị sửa đổi.
Trân trọng cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận