Bậc thầy về tái cơ cấu hãng xe thất thế
Sau khi nhậm chức tháng 10/1999, Carlos Ghosn bắt đầu kế hoạch phục hồi để lợi nhuận quay lại với Nissan. Mục tiêu cụ thể là tăng trưởng 4,5% doanh thu và giảm 50% nợ trước năm 2002. Trong trường hợp thất bại, ông cam kết sẽ từ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành.
Tại Tokyo Motor Show 1999, ông đã trình bày kế hoạch hồi sinh ba năm của Nissan: giảm nợ, đóng cửa năm nhà máy, loại bỏ 21.000 việc làm và giới thiệu các mẫu xe mới trên khắp thế giới, tận dụng các nền tảng chung có thể giảm đáng kể chi phí phát triển và sản xuất.
Ở nhiệm kỳ của Ghosn, việc Nissan Nhật Bản thực hiện giữ việc làm trọn đời, thăng tiến theo thâm niên và lòng trung thành với các nhà cung cấp lâu năm trở thành những quan điểm lỗi thời và phải bị loại bỏ.
Bởi vậy, Ghosn đưa ra các quyết định mang tính cách mạng ở Nhật Bản: cho phép sự tham gia của tất cả nhân viên trong các phòng ban để tìm giải pháp nội bộ tốt nhất cho từng phòng ban mà nhân viên đó làm việc. Đồng thời áp dụng chính sách đánh giá lao động bằng hiệu suất thay vì vị trí trọn đời, giảm 14% lao động, đóng cửa 5 nhà máy tại Nhật Bản và cho thanh lý tài sản.
Mặc dù môi trường đầu tư quốc tế không thuận lợi do dư âm của khủng hoảng tài chính tiền tệ, đến cuối năm 2001, Nissan đã tuyên bố tăng doanh thu 134% so với năm 1999, các khoản nợ được hoàn trả đầy đủ. Năm 2003, Nissan Motor trở thành một trong những tập đoàn ô tô có lợi nhuận cao nhất thế giới, với 3,1 tỷ USD.
Ngày 6/5/2009, Carlos Ghosn tiếp tục được cổ đông tín nhiệm bầu vào cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Renault, như vậy ông là người đầu tiên đồng thời lãnh đạo cao nhất hai công ty (Renault và Nissan) có tên trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất do Fortune bình chọn (Fortune Global 500).
Vào tháng 10/2016, nhằm khôi phục sự sa sút của Mitsubishi Motors và tạo ra một liên minh tay ba hùng mạnh, các cổ đông và ban điều hành Mitsubishi Motors nhất trí bầu Carlos Ghosn vào ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Mitsubishi Motors.
Thời điểm năm 2016, liên minh Renault - Nissan - Mitsubishi trở thành nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư thế giới, sau Toyota, Volkswagen AG và General Motors. Năm 2017, dưới sự điều hành của Ghosn, tổng doanh thu ba hãng đạt hơn 243 tỷ USD.
Ông thừa nhận đã áp dụng kỹ năng quản lý theo kiểu “kết hôn ép buộc” giữa các nền văn hóa khác nhau: Pháp, Nhật Bản, Trung Đông, Nam Mỹ và những nơi khác.
“Tất cả điều này đã được thực hiện nhờ vào nguồn gốc Lebanon của tôi, cho phép tôi ngay từ đầu chấp nhận sự đa dạng và khác biệt để thu hút tài năng và mọi nguồn lực về quanh mình”, Ghosn nói.
Danh tiếng và tiền bạc ùa về
Năm 2003, Carlos Ghosn được Tạp chí Fortune phiên bản châu Á bầu chọn là Người đàn ông của năm. Còn tại Nhật Bản, Carlos Ghosn được mệnh danh là Samurai trong nền công nghiệp ô tô thế giới, với quyết tâm sắt đá không khác gì một võ sỹ đạo Nhật Bản.
Những thành tựu của Ghosn được giới truyền thông tôn vinh, bao gồm cả việc biến hình tượng của ông thành nhân vật chính trong một cuốn truyện tranh Nhật Bản.
Trong một buổi lễ hoành tráng tại Câu lạc bộ du thuyền ở vịnh Zaitunay hồi tháng 8/2017, LibanPost, công ty bưu chính quốc gia công bố một con tem mới được phát hành để vinh danh Carlos Ghosn, biểu tượng về sự thành công của một doanh nhân có nguồn gốc Lebanon.
Dưới sự bảo trợ của Thủ tướng Lebanon Saad Hariri, sự kiện này đã quy tụ nhiều nhân vật chính trị và kinh doanh, cũng như các nhân vật truyền thông nổi tiếng xung quanh vị chủ tịch của Renault - Nissan - Mitsubishi Motors và gia đình ông.
Cùng với sự phát triển của Nissan và Renault, thu nhập của ông trùm xe hơi cũng tăng lên theo cấp số nhân. Vào năm 2014, thu nhập một năm của Ghosn được công bố là hơn 15 triệu USD, chưa kể tiền thưởng từ Renault.
Mức thu nhập này cao hơn hẳn lương CEO của tất cả các hãng ô tô khác, chỉ thấp hơn chút ít so với thu nhập của bà Mary Barra, CEO của General Motors.
Quản lý hai công ty ở hai lục địa khác nhau đồng nghĩa với việc Ghosn phải di chuyển liên tục. Năm 2016, Nissan tậu hẳn chiếc phản lực cỡ nhỏ Gulfstream G650 - một trong những máy bay tư nhân đắt đỏ nhất thế giới - với giá 67 triệu USD để phục vụ cho việc đi lại của Ghosn.
Ford Motor từng 2 lần cố gắng chiêu dụ Ghosn về đầu quân, lần đầu tiên là mời vào vị trí CEO của Ford vào năm 2003, Ghosn từ chối lời đề nghị. Lần đề nghị thứ hai, Ghosn nói với giám đốc nhân sự của Ford rằng: "Chọn tôi là phù hợp, nhưng phù hợp vào vị trí Chủ tịch của Ford".
Như vậy tính đến thời điểm năm 2016, 19 năm sau khi đến Renault, 17 năm sau khi nhậm chức chủ tịch tại Nissan, Carlos Ghosn - vị doanh nhân lôi cuốn và đầy tham vọng thực sự trở thành bậc thầy về quản trị sản xuất kinh doanh ô tô.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận