Nhiều mẫu ô tô khan hàng khiến khách đặt cọc mua xe chưa biết khi nào được nhận, thậm chí bị đại lý ép chi thêm tiền nếu muốn lấy sớm. Tình trạng này được dự báo chấm dứt khi nguồn cung cân bằng với cầu, nhưng cũng chưa biết đến bao giờ.
Nhiều mẫu ô tô hiện nay khách muốn mua không có ngay mà phải đặt hàng. Thậm chí một số mẫu xe đã dừng nhận đặt hàng. Ảnh: Thanh Tùng
“Thượng đế” buồn
Anh Doanh (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) có ý định mua chiếc Toyota Veloz Cross Top. Tuy nhiên, dù suốt tháng qua đi xem xe nhưng anh vẫn chưa tìm được đại lý có xe giao ngay.
“Tôi có đến một đại lý ở đường Giải Phóng, họ nói nếu ký hợp đồng bây giờ thì nhanh nhất cũng phải tháng 9 hoặc 10 mới có xe để giao. Định chuyển qua Mitsubishi Xpander thì đại lý cũng báo không có xe giao ngay. Muốn mua một chiếc ô tô ở thời điểm này khó quá”, anh Doanh than thở.
Tình trạng ô tô khan hàng, tăng giá hay bán kèm phụ kiện tại đại lý diễn ra phổ biến thời gian qua. Không chỉ anh Doanh mà nhiều khách hàng hiện nay có tiền chưa chắc đã mua được xe đi ngay.
Nhân viên đại lý Toyota Pháp Vân (Hà Nội) cho biết, hiện nay, nhiều mẫu xe đang trong tình trạng khan hàng. Có những mẫu xe khan một vài phiên bản nhưng cũng có xe không có nổi một phiên bản nào để bán. Ví dụ như Toyota Camry, Corolla Cross hay Veloz Cross…
Thậm chí, Toyota Raize hiện đang “cháy” hàng, đại lý còn nhận cọc nhưng cũng không biết bao giờ mới có xe giao. Hay như Toyota Land Cruiser, hiện các đại lý không dám nhận đặt cọc của khách hàng.
Tương tự, Ford Everest mới ra cũng đang gặp phải tình trạng thiếu nguồn cung trầm trọng. Tuy đầu tháng 8 mới giao xe nhưng hiện nay, để được nhận xe sớm, nhiều đại lý đã gợi ý cho khách hàng chi thêm tiền, có những nơi lên tới 100 triệu đồng.
Một nhân viên đại lý Ford tại Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, hiện có khoảng 100 đơn đặt hàng Ford Everest mới nhưng chưa rõ lượng xe giao có đáp ứng được hết hay không.
Trên thực tế, tình trạng này đang diễn ra ở hầu hết các hãng, từ xe bình dân như Kia, Hyundai, Mazda, VinFast… cho tới ô tô hạng sang như Mercedes-Benz, Audi…
Đại diện Mitsubishi Motors Việt Nam cũng cho hay, tháng 6 vừa qua, mẫu xe bán chạy Xpander do ảnh hưởng nguồn cung linh kiện dẫn tới lượng xe giao cho đại lý thiếu hụt trầm trọng. Tuy nhiên, sang đến tháng 7 lượng xe nhập về sẽ nhiều hơn.
Ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ GTVT) cho biết, tình trạng ô tô khan hàng xuất phát từ việc hãng xe thiếu linh kiện, chủ yếu là chip. Xe có thể đã lắp ráp xong nhưng nếu thiếu chip cũng không xuất xưởng được.
Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho biết, tình trạng thiếu kim loại hiếm, chip đang là vấn đề của toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Điều này khiến ô tô khan hàng và một số hãng đang phải chuyển hướng, tìm nguồn cung ứng khác để xoay xở.
Khi nào mới hết khan hàng?
Thị trường ô tô Việt Nam đang trong tình trạng khan hàng với cả xe lắp ráp lẫn nhập khẩu
Trước câu hỏi “Ô tô bao giờ mới hết khan hàng?”, vị đại diện VAMA cho biết hiện chưa thể đoán định được tình hình.
Còn đại diện Toyota Việt Nam nhận định, tình trạng khan hàng hiện nay có thể đã cải thiện hơn so với trước, không căng thẳng như đợt vừa qua. Sau khi gặp khó khăn, các hãng đã tìm cách xoay xở, khắc phục dần. Tuy nhiên, cũng rất khó biết được khi nào tình trạng khan hàng mới chấm dứt.
“Ví dụ như tháng 7 âm lịch tới đây, khách ít mua xe, trong khi đó các hãng vẫn sản xuất bình thường, có thể sau đó tình trạng khan hàng cũng sẽ giảm xuống. Bởi nguồn cung vẫn thế mà cầu ít đi. Tuy nhiên, đó chỉ là xu thế còn cụ thể vẫn phải dựa vào tình hình thực tế.
Chỉ khi nào cán cân cung cầu cân bằng, tình trạng khan hàng, tăng giá mới chấm dứt. Còn không, vẫn có khách chấp nhận chi thêm tiền, mua phụ kiện để nhận xe sớm thì tình trạng đại lý tự ý tăng giá, hay bán thêm phụ kiện vẫn diễn ra”, vị đại diện chia sẻ.
Đại diện truyền thông VinFast cho hay, hãng có những phương án khác nhau để từng bước khắc phục nhưng vẫn chưa thể đảm bảo đầy đủ nhu cầu khách hàng. Ví dụ VinFast VF e34 mấy tháng trước do thiếu linh kiện, lượng xe giao ít nhưng đến nay đã khắc phục được phần nào. Tuy nhiên, đối với xe xăng, hiện nay lượng linh kiện vẫn còn thiếu.
Theo một số chuyên gia ô tô, tình trạng ô tô khan hàng sớm nhất có lẽ phải sang tới năm sau mới có thể tạm ổn. Bởi hiện nay, nhiều hãng xe phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc nhưng nước này vẫn chưa mở cửa hoàn toàn. Đợi đến khi Trung Quốc mở cửa, khôi phục lại sản xuất cũng phải mất vài tháng thì tình hình khan hiếm linh kiện mới dần dần ổn định.
Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, trong tương lai gần, Việt Nam chưa thể sản xuất chip để phục vụ trong ngành ô tô và xe máy. Do đó, tình trạng khan hiếm xe do thiếu chip vẫn sẽ phụ thuộc vào diễn biến sản xuất của Trung Quốc.
Sau khi hết ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất lắp ráp trong nước cộng thêm nguồn cung xe nhập hạn chế, doanh số ô tô tháng 6/2022 sụt giảm mạnh.
Theo báo cáo VAMA, tháng 6/2022, các thành viên bán ra 11.044 xe lắp ráp, giảm 57% so với tháng trước và doanh số xe nhập khẩu nguyên chiếc là 14.115 xe, giảm 23%. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2022 tăng 34% so với cùng kỳ 2021, cho thấy nhu cầu mua ô tô vẫn rất lớn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận