Tại Nghị định 67/2023 về bảo hiểm bắt buộc vừa ban hành lần đầu có quy định về ngưỡng nồng độ cồn bị từ chối bồi thường. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không còn được áp dụng điều khoản "cứ có cồn là từ chối bồi thường", dù lái xe không uống rượu, bia.
Liên tiếp kiện bảo hiểm vì oan
Tháng 10 tới, TAND huyện Ba Tri (tỉnh Bến Tre) sẽ đưa ra xét xử vụ kiện dân sự của anh Nguyễn Văn Tín (SN 1985, trú tại xã Vĩnh An, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) kiện bảo hiểm BSH Sài Gòn.
Nguyên nhân anh Tín kiện doanh nghiệp bảo hiểm này vì các xét nghiệm tại bệnh viện xác định khi lái xe tự gây tai nạn, anh Tín có nồng độ cồn ở ngưỡng cho phép của người không uống rượu, bia (cồn sinh lý), nhưng vẫn bị từ chối bồi thường bảo hiểm vì lý do trong máu có cồn.
Căn cứ pháp lý của "ngưỡng bình thường không uống rượu, bia" đã được nhiều chuyên gia dẫn chiếu là Quyết định số 320 của Bộ Y tế ban hành ngày 23/1/2014. Theo đó, nồng độ cồn sinh lý của người bình thường không uống rượu, bia là dưới 10,9mmol/l. Trong khi đó, kết quả xét nghiệm tại bệnh viện của anh Tín cho ra chỉ số 3,4mmol/l, thấp hơn nhiều ngưỡng cho phép.
Trước đó, ngày 15/3/2023, TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) ban hành bản án dân sự sơ thẩm số 08/2023/DSST tuyên buộc bị đơn là Tổng công ty Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (Bảo hiểm BSH) phải bồi thường cho nguyên đơn là ông Tạ Văn Phong (chủ xe Mitsubishi Xpander) số tiền 299,3 triệu đồng và lãi trả chậm 29,1 triệu đồng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện một tập đoàn bảo hiểm lớn cho hay, bộ phận pháp chế của công ty đang xem xét điều chỉnh quy tắc bảo hiểm cho phù hợp với quy định mới trong Nghị định 67/2023.
Vụ kiện cũng khởi phát từ việc Bảo hiểm BSH từ chối bồi thường cho lái xe của ông Tạ Văn Phong cũng với lý do trong máu có cồn, dù kết quả nồng độ cồn trong máu lái xe là 1.85mmol/l, dưới ngưỡng bình thường của người sử dụng rượu, bia.
Một bản án khác ngày 30/3/2021 của TAND TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) cũng tuyên xử Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) phải bồi thường cho ông Biện Bắc Bảo (trú xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) số tiền 357,4 triệu đồng chi phí sửa chữa xe bị tai nạn. Trong vụ việc này, phía bảo hiểm PTI cũng nêu điểm loại trừ là do trong máu người lái xe có nồng độ cồn, mặc dù cơ quan y tế xác nhận trị số là bình thường, không do rượu, bia.
Trong những vụ kiện kể trên, một trong những căn cứ quan trọng được tòa án xem xét là kết quả xét nghiệm máu của người lái xe tại bệnh viện.
Trong các phiếu xét nghiệm, bệnh viện đều dùng ngưỡng chỉ số chung là dưới 10,9mmol/l (tương đương với 50mg/dl) và ký hiệu NEG (negative - âm tính) với kết quả xét nghiệm nồng độ cồn, tức là trị số bình thường của người không uống bia, rượu.
Căn cứ pháp lý của "ngưỡng bình thường không uống rượu, bia" được tòa án dẫn chiếu là Quyết định số 320 của Bộ Y tế, theo đó nồng độ cồn sinh lý của người bình thường không uống rượu, bia là dưới 10,9mmol/l.
Thực tế đã được nhiều chuyên gia chứng minh, có một loại cồn gọi là cồn sinh hóa tự sinh ra trong cơ thể người do sử dụng một số loại thực phẩm lên men hoặc do một số bộ phận trong cơ thể người tiết ra chất cồn, nhưng vẫn nằm trong trị số bình thường.
Bảo hiểm tự nguyện hết cửa làm khó khách hàng?
CSGT chụp ảnh một vụ tai nạn liên quan đến xe buýt (ảnh minh họa).
Ngày 6/9, Chính phủ ban hành Nghị định 67/2023 về bảo hiểm bắt buộc, trong đó có quy định mới, loại trừ bảo hiểm trong trường hợp người lái xe có nồng độ cồn. Trong đó, Nghị định quy định loại trừ bảo hiểm nêu: "Thiệt hại đối với tài sản do lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế; sử dụng ma túy và chất kích thích bị cấm theo quy định của pháp luật".
Như vậy, quy định này đã gián tiếp thừa nhận có một lượng cồn tự nhiên trong cơ thể, nếu ở ngưỡng cho phép thì doanh nghiệp bảo hiểm không được coi đó là điểm loại trừ để từ chối bồi thường.
Đang trong quá trình hòa giải với Bảo hiểm BSH Sài Gòn theo trình tự giải quyết vụ việc của TAND huyện Ba Tri, trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Nguyễn Văn Tín tâm sự, đến nay dù tòa đã thụ đơn và hai bên đã qua một lần hòa giải nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung. "Hy vọng quy định mới này sẽ thêm một cơ sở pháp lý để TAND huyện Ba Tri đưa ra một phán quyết công bằng", anh nói.
Theo luật sư Đỗ Hồng Sơn (VP luật sư Tinh Hoa Việt), trước đây, trong các vụ tai nạn giao thông, khi xét nghiệm tại bệnh viện, cứ có nồng độ cồn là các doanh nghiệp bảo hiểm áp dụng quy định loại trừ bảo hiểm. Nay có quy định mới xác định ngưỡng nồng độ cồn phải trên ngưỡng 10,9mmol/l mới bị loại trừ bảo hiểm. Đây là điều chỉnh rất quan trọng, dựa trên cơ sở y khoa và khoa học thực chứng và hy vọng sẽ là cơ sở để các hãng bảo hiểm phải điều chỉnh bộ quy tắc bảo hiểm của mình.
Theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm InFair), dù quy định mới tại Nghị định 67/2023 chỉ áp dụng cho bảo hiểm bắt buộc nhưng có tính chất pháp quy rất cao trong lĩnh vực bảo hiểm.
Tương tự, luật sư Đỗ Hồng Sơn cũng nhận định, thời gian qua các vụ kiện cáo, khiếu nại chủ yếu thuộc về bảo hiểm tự nguyện, giá trị bồi thường hàng trăm triệu đồng, gây ra "cuộc chiến" pháp lý kéo dài hàng năm trời. Vì thế việc thay đổi quy định với bảo hiểm bắt buộc khiến các sản phẩm tự nguyện phải điều chỉnh theo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận