• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
360° xe

Gỡ nỗi oan bị từ chối bồi thường bảo hiểm vì “trong máu có cồn”

23/07/2021, 09:30

Dù không sử dụng rượu bia nhưng do trong máu có sẵn nồng độ cồn tự nhiên, nhiều tài xế sau khi gây TNGT bị bảo hiểm từ chối bồi thường.

Không uống rượu bia vẫn bị từ chối bồi thường bảo hiểm

Theo Luật GTĐB 2008 sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, lái xe bị cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Trên thực tế, có trường hợp người điều khiển phương tiện không sử dụng rượu bia vẫn có cồn trong máu.

Quyết định 320/QĐ-BYT ban hành ngày 23/1/2014 của Bộ Y tế cũng nêu rõ, nồng độ cồn trong máu ở mức <50 mg/dl là trị số bình thường, không có triệu chứng của việc sử dụng rượu bia.

Điều đáng nói, hiện nay hầu hết các công ty bảo hiểm đang dựa vào quy định vi phạm nồng độ cồn để từ chối bồi thường bảo hiểm, bất chấp chỉ số nồng độ cồn đã được cơ quan y tế xác định là cồn tự nhiên trong cơ thể.

Hiện trường vụ tai nạn của chiếc xe BKS 63C-061.92 thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Vận tải Khánh Nhung

Báo Giao thông vừa nhận được đơn khiếu nại của Công ty TNHH Vận tải Khánh Nhung (Bình Định) liên quan đến thông báo của Công ty Bảo hiểm Bảo Minh từ chối bồi thường xe BKS 63C-061.92, gặp tai nạn ngày 17/8/2019 tại địa phận Đồng Nai.

Theo đó công ty bảo hiểm này đã đưa ra lý do từ chối bảo hiểm vật chất do trong máu của tài xế có nồng độ cồn ở ngưỡng 1,2mg/dl. Tuy nhiên, trong hồ sơ gửi đến Báo Giao thông, Công ty Khánh Nhung đã cung cấp kết luận của cơ quan công an xác nhận không đủ căn cứ để xác định tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Được biết, để đi đến kết luận này, cơ quan Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đã điều tra, lấy lời khai của lái xe và thu thập tài liệu là giấy xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của bệnh viện được thực hiện ngay sau vụ tai nạn.

Để chứng minh trong cơ thể lái xe có nồng độ cồn tự nhiên, Công ty Khánh Nhung đã đưa tài xế đi xét nghiệm lại trong trạng thái bình thường và cho kết quả nồng độ cồn trong máu cao gấp đôi so với thời điểm xét nghiệm sau tai nạn.

Đặc biệt, trong văn bản giải thích về nồng độ cồn trong máu của tài xế theo yêu cầu của Công ty Khánh Nhung, Sở Y tế Đồng Nai cho biết, kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của lái xe nhỏ hơn trị số bình thường, không có triệu chứng lâm sàng nào do tác dụng của rượu, bia gây ra.

Dù đã làm đủ mọi cách nhưng Công ty Khánh Nhung vẫn không thể làm lay chuyển quan điểm của Bảo hiểm Bảo Minh, cứ có nồng độ cồn trong máu trên “0” là vi phạm quy định về nồng độ cồn, vi phạm vào điều khoản loại trừ bảo hiểm.

Đây không phải trường hợp đầu tiên bị từ chối bồi thường bảo hiểm vì xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu, dù không sử dụng rượu bia.

Trước đó, ngày 20/10/2019, cũng trong một vụ tai nạn tại địa phận Đồng Nai, Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã từ chối bồi thường cho chủ xe với lý do tương tự.

Theo đó, PTI cũng dựa vào xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của lái xe sau khi xảy ra tai nạn có chỉ số 1,475 mg/dl để từ chối bồi thường trong khi biên bản giải quyết TNGT của cơ quan công an ghi nhận nguyên nhân tai nạn là do lái xe ngủ gật, không làm chủ tay lái, không nói đến việc lái xe có sử dụng rượu bia.

Tài xế gây ra vụ tai nạn trong vụ việc này cũng một mực khẳng định không bao giờ uống rượu bia và đã nhiều lần đến bênh viện để xét nghiệm nhưng chỉ số nồng độ cồn trong máu vẫn trên “0”.

Cứ ra tòa là bảo hiểm lại thua

Trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia bảo hiểm Đỗ Hồng Sơn (Công ty CP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam) nêu một vụ việc tương tự nhưng đã được toà án tuyên thắng kiện cho khách hàng bảo hiểm.

Theo đó, Bản án dân sự sơ thẩm số 23/2021/DS-ST ngày 30/3/2021 của TAND TP Mỹ Tho (Tiền Giang) mới đây đã tuyên xử Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) phải bồi thường cho ông Biện Bắc Bảo (trú xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, Bến Tre) số tiền 357,4 triệu đồng chi phí sửa chữa xe bị tai nạn từ năm 2018. Theo ông Đỗ Hồng Sơn, trong vụ án này, phía bảo hiểm PTI cũng nêu điểm loại trừ là do trong máu lái xe có nồng độ cồn.

Mục a, Khoản 3, Điều 16, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý”. Vì thế, việc công ty bảo hiểm bỏ qua quy định này để từ chối bồi thường cho khách hàng là cứng nhắc, sai luật.
Chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân


Theo ông Sơn, có 2 tài liệu y khoa được Hội đồng xét xử xem xét. Một là công văn của Bệnh viện Quân y 120 kết luận: “Nồng độ cồn trong máu 2,44mg/dl của tài xế trong vụ việc nằm trong giới hạn bình thường (dưới ngưỡng), không phải do sử dụng rượu bia hoặc thức uống có cồn gây ra.

Căn cứ thứ hai, tại công văn của Trung tâm Pháp y TP HCM cũng xác nhận, nồng độ cồn trong trường hợp này thấp hơn trị số bình thường nên không ảnh hưởng đến phản xạ và độ nhạy bén.

Những chứng cứ này kết hợp với các tài liệu khác là căn cứ trọng yếu để tòa buộc bảo hiểm PTI phải bồi thường cho chủ xe Biện Bắc Bảo.

Theo TS. BS. Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia (Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư), có một loại cồn gọi là cồn sinh hoá tự sinh ra trong cơ thể người do sử dụng một số loại thực phẩm lên men hoặc do một số bộ phận trong cơ thể người tiết ra chất cồn, nhưng vẫn nằm trong trị số bình thường.

Còn theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm InFair), việc quy định tất cả các trường hợp có nồng độ cồn trong máu đều bị loại trừ bảo hiểm là một quy định cứng nhắc của các bộ quy tắc bảo hiểm hiện hành đang được rất nhiều công ty bảo hiểm vận dụng.

Tất nhiên, quy định này căn cứ bởi quy định của pháp luật, nhưng ở đây pháp luật chưa bao quát hết thực tiễn đời sống, tức là chưa tính đến các trường hợp đặc biệt, dù không nhiều. Đó là những người có nồng độ cồn tự sinh trong cơ thể, khi kiểm tra bằng xét nghiệm máu là có cồn mặc dù không hề uống rượu bia.

Những người này đương nhiên vẫn tham gia lái xe máy, ô tô để đi lại làm ăn sinh sống hàng ngày, nhưng có thể không hề biết mình có nồng độ cồn trong máu. Chỉ khi vô tình xảy ra sự kiện va chạm giao thông, được xét nghiệm ở bệnh viện mới biết bản thân là dạng thể chất có cồn trong máu.

Theo ông Xuân, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền (là cơ quan y tế, cơ quan giám định, hội đồng y khoa hoặc cơ quan công an thụ lý vụ việc) có ý kiến kết luận về việc nồng độ cồn trong người đương sự không do nguyên nhân rượu bia, thì phía bảo hiểm nên xem xét bồi thường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.