Trong đơn đề nghị trợ giúp gửi đến Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận Tải Đức Ngọc (TP Biên Hòa, Đồng Nai) phản ánh, trong quá trình kinh doanh, Công ty TNHH vận tải Đức Ngọc mua bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe ô tô đối với bên thứ ba cho xe ô tô tải BKS 60C-327.06 tại Công ty bảo hiểm MIC Đồng Nai theo Giấy CNBH số 1813374, thời hạn bảo hiểm từ ngày 24/2/2019 đến 24/2/2020.
Ngày 27/4/2019 xe ô tô 60C-327.06 do lái xe của công ty là ông Phạm Văn Tùng điều khiển gây tai nạn với xe ô tô Honda City BKS 65A-101.04 gây hư hỏng nặng cho xe ô tô Honda City. Biên bản giải quyết tai nạn của cơ quan CSGT tỉnh Long An ngày 3/5/2019 kết luận lỗi hoàn toàn thuộc về lái xe ô tô 60C-327.06.
Ngay khi xảy ra tai nạn, lái xe 60C-327.06 đã gọi điện thông báo ngay cho bảo hiểm MIC theo số hotline 1900558891 nhưng MIC không cử giám định viên đến hiện trường, không hướng dẫn lái xe thủ tục làm việc với bên thứ ba và CSGT.
Sau khi có kết luận của CSGT, chủ xe 65A-101.04 đã đưa xe vào Honda Cần Thơ sửa chữa theo sự đồng ý của giám định viên MIC tại Long An, giám định viên MIC tại Cần Thơ đã đến giám định trực tiếp thiệt hại tại Honda Cần Thơ. Tổng chi phí sửa chữa thực tế hết 117 triệu đồng có hóa đơn đầy đủ. Theo thỏa thuận dân sự, Công ty Đức Ngọc phải bồi thường cho chủ xe 65A-101.04 số tiền 99,8 triệu đồng, số tiền đền bù này đã được ghi nhận rõ trong Biên bản giải quyết tai nạn giao thông.
"Khi tôi làm thủ tục đề nghị bồi thường thiệt hại, giám định viên của MIC yêu cầu tôi phải tự xin bản sao hồ sơ công an, trong khi đây là trách nhiệm của MIC. Khi tôi đến cơ quan công an xin sao chụp, cơ quan công an không đồng ý và cho biết chỉ sao chụp cho công ty bảo hiểm. Khi tôi báo lại, giám định viên của MIC Long An là anh Hiểu (SĐT 0939xxx389) mới đi sao chụp và yêu cầu tôi phải đưa 1 triệu đồng phí sao chụp hồ sơ và chi phí giám định", bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp phản ánh.
Điều 11. Giám định thiệt hại
Khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới, bên thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của các bên liên quan thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Kết quả giám định phải lập thành văn bản có chữ ký của các bên liên quan. Doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm về chi phí giám định.
Trích Thông tư 22/2016-BTC
Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp cũng cung cấp cho PV Báo Giao thông ảnh chụp màn hình các tin nhắn Zalo giữa bà với ông Hiểu, nội dung về việc bà đã đưa 1 triệu đồng (tiền mặt) để được giám định và rút hồ sơ từ công an, riêng phí rút hồ sơ công an được ông Hiểu thông báo hết 200 nghìn đồng.
"Đến ngày 4/6/2019 sau rất nhiều lần đi lại, tôi đã nộp đủ hồ sơ theo yêu cầu của MIC Đồng Nai nhưng sau 1 tháng MIC Đồng Nai vẫn không giải quyết dù tôi nhiều lần liên hệ. Ngày 4/7/2019 tôi tiếp tục đến MIC Đồng Nai đề nghị giải quyết, MIC cho biết vẫn chưa thể giải quyết ngay nhưng không nói rõ lý do, đồng thời thông báo bằng lời vụ của tôi chỉ được bồi thường khoảng 45 triệu đồng", bà Ngọc cho hay.
Từ các nội dung này, Công ty vận tải Đức Ngọc khiếu nại MIC Đồng Nai vi phạm quy định trong Thông tư 22/2016/TT-BTC về Hành vi chậm giải quyết bồi thường (quy định tại Khoản 1 Điều 14); Bồi thường đúng số tiền (quy định tại Khoản 1, Khoản 3b Điều 13) và Hành vi thu tiền giám định (Khoản 1 Điều 11), đồng thời doanh nghiệp vận tải này cũng kiến nghị Cục Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm của MIC Đồng Nai.
Lãnh đạo MIC nói gì?
Ngày 25/7/2019, tại trụ sở Tổng Công ty bảo hiểm quân đội MIC tại Hà Nội, PV Báo Giao thông đã làm việc với ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó TGĐ MIC và các chuyên viên về kiến nghị nêu trên của khách hàng. Tại buổi làm việc, ông Tuấn cho rằng khách hàng phản ánh "MIC không cử chuyên viên đến giám định hiện trường" thì sau khi kiểm tra ghi âm, tổng đài MIC hôm đó đã có hướng dẫn khách hàng qua điện thoại.
Về khiếu nại của khách hàng liên quan đến chậm trễ bồi thường, ông Tuấn lý giải mốc thời gian bồi thường không phải là ngày xảy ra tai nạn (27/4/2019) mà phải là thời điểm được đôi bên thống nhất các thủ tục bồi thường, thể hiện bằng một biên bản giám định xác định chi tiết thiệt hại.
"Tuy nhiên việc khách hàng đưa xe của bên thứ ba (xe Honda City) đi sửa chữa và tự thanh toán tiền cho chủ xe Honda City là câu chuyện đơn phương giữa 2 bên va chạm, mặc dù khách hàng có cung cấp hóa đơn sửa xe (117 triệu đồng) nhưng chưa đủ căn cứ để MIC xem xét bồi thường. Trong vụ việc này, khách hàng chưa ký vào phụ lục biên bản giám định nên bảo hiểm chưa có căn cứ bồi thường", ông Tuấn phân tích.
Ông Tuấn lý giải thêm, bảo hiểm MIC sẽ chi trả bồi thường theo giá trị thực tế tại thời điểm đó, căn cứ vào việc chào giá hoặc đấu thầu (mua hàng hóa vật tư, dịch vụ sửa chữa phương tiện bị TNGT), không chỉ căn cứ vào báo giá của một gara duy nhất để chi trả ngay số tiền đó.
Trước câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc liệu có đủ thời gian để bên bảo hiểm tổ chức chào giá, đấu thầu trong khi quy định thời hạn bồi thường từ 15 - 30 ngày, ông Tuấn không trả lời trực tiếp mà nói trách nhiệm của bên bảo hiểm là phải bồi thường đúng hạn định, căn cứ trên văn bản.
Về nội dung khách hàng phản ánh nhân viên MIC Long An thu 1 triệu đồng tiền giám định và việc giám định viên trả lời bà Điệp "vụ này chỉ bồi thường 45 triệu đồng" bằng tin nhắn điện thoại, ông Nguyễn Đức Tuấn cho hay sẽ yêu cầu bộ phận pháp chế rà soát lại, nếu sai sẽ có biện pháp xử lý theo quy trình nội bộ của MIC và cung cấp văn bản trả lời đến Báo Giao thông.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận