Công nghệ mới đang làm cho ô tô an toàn hơn nhiều so với trước đây. Chẳng hạn như tính năng phanh khẩn cấp tự động, cảnh báo va chạm phía trước và hệ thống hỗ trợ duy trì làn đường đang tự động hóa quá trình lái xe, cung cấp cho lái xe nhiều trang bị và thông tin hơn để tránh một số tai nạn thường gặp.
Ví dụ như đèn pha. Cách đây chừng 10 - 15 năm, đèn pha tiêu chuẩn trên ô tô chỉ là một bóng đèn dạng halogen chiếu sáng thẳng về phía trước. Với vị trí ngay mũi xe, đèn pha là một trong những bộ phận dễ hư hỏng nhất khi có va chạm, có thể chỉ là vỡ lớp nhựa bọc ngoài hoặc vỡ cả chóa đèn, chi phí để thay thế đèn pha không đắt, chỉ từ 150 - 200 USD/chiếc.
Giờ đây, đèn pha được trang bị nhiều công nghệ cho phép điều chỉnh độ sáng tùy theo điều kiện ánh sáng ngoài trời, pha đèn có thể chỉnh góc chiếu ở khúc cua, giúp người lái có thể nhìn rõ hơn nhằm lường trước những nguy hiểm sắp tới.
Đó là những tính năng tuyệt vời, nhưng đi kèm với nó là một mức giá đắt đỏ - trung bình 1.371 USD là khoản chi phí thay thế đèn pha nếu không may hư hỏng sau va chạm.
Theo Công ty phân tích dữ liệu ngành công nghiệp ô tô CCC Information Services, ví dụ đơn giản hơn là một miếng cản trước bằng nhựa trông đơn giản, ai cũng nghĩ nó rẻ chỉ vài trăm đô-la, nhưng thanh cản trước đó cũng có thể có giá hàng nghìn đô-la, tùy thuộc vào các thiết bị viễn thông, radar và các cảm biến được gắn vào nó.
Đáng nói, các thiết bị an toàn cao cấp không làm cho những chiếc xe ngày nay chống lại được tai nạn. Bởi vậy mà khi va chạm xảy ra, những ứng dụng công nghệ cao đó sẽ khiến cho ô tô trở nên phức tạp và tốn kém hơn để sửa chữa.
Hơn thế nữa, khi sửa chữa hồi phục chiếc xe tai nạn, hầu hết các thiết bị điện tử cần được hiệu chỉnh để tương tác với máy tính bên trong của xe, đây là công việc mà chỉ các kỹ thuật viên lành nghề mới có thể làm được.
"Chi phí tai nạn" tăng lên
Theo ông Karageorgos, Giám đốc quan hệ khách hàng của Tập đoàn bảo hiểm Bắc Mỹ IBC, những chiếc xe ngày nay được chế tạo an toàn hơn, nhưng không có nghĩa là các vụ tai nạn giảm đi, mà ngược lại còn tăng lên. Theo IBC, toàn ngành bảo hiểm đã chi hơn 12 tỷ USD cho hơn 1,2 triệu yêu cầu bảo hiểm ô tô trong năm 2018.
Cảnh sát trên khắp thế giới đã xác định lái xe mất tập trung là nguyên nhân chính gây ra phần lớn tai nạn và công nghệ an toàn hiện đại tỷ lệ thuận với sự chủ quan của tài xế. Chẳng hạn như nhiều xe gắn cảm biến duy trì làn đường, khiến lái xe đôi khi chủ quan tin rằng xe sẽ đi đúng làn tuyệt đối.
Một tính năng an toàn chủ động khác là hệ thống phanh khẩn cấp tự động, đang được tiêu chuẩn hóa trên rất nhiều dòng xe. Theo quy chuẩn công bố của Cơ quan Quản trị An toàn Lưu thông Đường bộ Quốc gia Hoa Kỳ (National Highway Traffic Safety Administration), hệ thống phanh khẩn cấp tự động phải tự động áp phanh nếu thấy chướng ngại vật trên đường khô ráo, không có mảnh vỡ.
Tuy nhiên, nhiều lái xe cứ nghĩ là phanh khẩn cấp sẽ áp phanh bất cứ lúc nào có chướng ngại vật, bất kể là trời mưa hay đường có tuyết, điều đó khiến số vụ va chạm trên xe có phanh khẩn cấp tăng lên, kéo theo chi phí tai nạn tăng theo.
Rõ ràng nhìn về tổng thể, không ai phủ nhận các tính năng cao cấp làm cho ô tô an toàn hơn trước nhiều. Tuy nhiên, từ góc nhìn của người kinh doanh bảo hiểm, ông Karageorgos cho rằng: "Đối với ô tô, công nghệ an toàn hiện đại lại là mặt trái của chi phí. Chúng tôi chưa thực sự thấy lợi ích đầy đủ từ góc độ chi phí, cả cho công ty bảo hiểm lẫn khách hàng".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận