Ngày 21/5/2023, một chủ xe chia sẻ trên mạng hình ảnh gầm xe sau chặng đường dài chở khách. Dưới gầm xe, bầu xúc tác khí thải nóng đỏ như cục sắt vừa được nung trong lò.
Vì sao bộ phận này lại nóng đỏ, nguy cơ gì xảy ra nếu bộ phận này gặp vật liệu dễ cháy?
Bầu xúc tác khí thải nóng đỏ bên dưới gầm một chiếc xe du lịch di chuyển chặng đường dài hôm 21/5/2023
Trao đổi với PV Báo Giao thông, kỹ thuật viên Minh Đức (đại lý VinFast Thăng Long, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay: để đương đầu với các quy định ngày một khắt khe về khí thải, các nhà sản xuất ô tô liên tục cải tiến động cơ và hệ thống ống xả khí thải.
Trong đó, một thiết bị gọi là bộ trung hòa khí thải (catalytic convert) sẽ xử lý lượng khí thải, nhằm loại bỏ hầu hết những chất độc hại trước khi thải ra môi trường.
Cấu tạo bộ trung hòa khí thải gồm ba lớp. Qua ba lớp này sẽ giảm phần lớn 3 loại khí độc hại gồm CO, HC, và NOx.
Bộ lọc sử dụng hai lớp xúc tác, một lớp làm giảm lượng khí thải và một lớp oxi hóa chúng.
Cả hai lớp lọc này dạng tổ ong được làm bằng Ceramic hoặc kim loại, được phủ lên một lớp chất xúc tác.
Chất xúc tác này thường là những kim loại quý hiếm như vàng, bạch kim (Platinum), Rhodium, Palladium… giúp tạo ra phản ứng hóa học khắc chế các khí thải độc hại.
Người ta phải tạo ra bề mặt tiếp xúc lớn nhất giữa bề mặt lớp xúc tác với dòng khí thải, trong khi đó phải giảm thấp nhất lượng chất xúc tác (do loại chất này rất đắt).
Bề mặt cắt ngang một bầu xúc tác khí thải, nơi có thể nóng đến 350 độ C nếu xe chạy liên tục
Một đặc điểm, có thể coi là nhược điểm cố hữu là hệ thống luôn phải hoạt động ở nhiệt độ cao. Để xử lý triệt để các chất độc, nhiệt độ chất xúc tác phải trên 300 độ C.
Ở ngưỡng nhiệt đó, các chất xúc tác được kích hoạt hoàn toàn, thúc đẩy quá trình phản ứng hóa học, đưa 3 loại chất thải có độc tố cao thành các chất không độc, có thể giảm tới 90% chất độc hại thải ra.
Nhiệt độ cao của bầu xúc tác cộng hưởng nhiệt độ ngoài trời, khiến bộ phận này đỏ rực như thép nung trong lò, có thể bén lửa ngay khi gặp chất dễ cháy như rơm rạ, hoặc giẻ khô mắc dưới gầm xe.
Bởi vậy, lái xe trên đường phơi rơm luôn thường trực nguy cơ phát hỏa từ dưới gầm xe, không chỉ ngày hè mà có thể bất cứ thời điểm nào trong năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận