Tiền gửi ngân hàng thu lãi gần trăm tỷ mỗi tháng
Hôm nay (20/12), Tổng công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã VEA, sàn UPCoM) thanh toán cổ tức năm 2022 bằng tiền cho cổ đông, theo nghị quyết HĐQT đã ban hành.
VEAM chi trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 41,86% (1 cổ phiếu nhận về 4.186 đồng), thanh toán vào ngày 20/12/2023.
Với 1,33 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VEAM dự kiến sẽ chi đến gần 5.570 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức lần này.
Trong đó, cổ đông lớn nhất là Bộ Công thương nắm giữ 88,47% vốn tại VEA sẽ được nhận hơn 4.900 tỷ đồng cổ tức từ VEAM.
Hết quý III năm nay, chỉ riêng số tiền của VEAM gửi ngắn hạn tại các ngân hàng là 18.482 tỷ đồng, tăng gần 5.900 tỷ đồng so với đầu năm.
Khoản tiền gửi ngắn hạn này mang lại cho công ty 875 tỷ đồng tiền lãi ngân hàng trong 9 tháng, tương đương mỗi tháng gần 100 tỷ đồng.
Phần lớn tiền gửi tích lũy của VEAM đến từ lợi nhuận được chia hàng năm từ các liên doanh ô tô lớn, như 20% vốn điều lệ Công ty Honda Việt Nam, 30% vốn điều lệ Công ty Toyota Việt Nam và 25% vốn điều lệ Công ty Ford Việt Nam.
Cổ phiếu VEA bị cảnh báo
Mặc dù lợi nhuận đều đặn cho cổ đông Nhà nước, nhưng năm nay có sự cố xảy đến với VEAM trong hoạt động niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, từ ngày 11/4/2023 cổ phiếu VEA bị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội đưa vào diện cảnh báo, do báo cáo tài chính của công ty bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ ba năm liên tiếp.
Theo các chuyên gia tài chính, một doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận tốt, mức vốn hóa lớn xấp xỉ 2 tỷ USD (khoảng 47 nghìn tỷ đồng) nhưng cổ phiếu lại bị cảnh báo là trường hợp hy hữu trên thị trường chứng khoán Việt Nam, từ trước đến nay chưa từng gặp.
Ý kiến của đơn vị kiểm toán cho biết, VEAM chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị hơn 166 tỷ đồng.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng không thể thu thập bằng chứng kiểm toán để đánh giá giá trị thuần của hàng tồn kho chậm luân chuyển, một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý.
Đây là những vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm trước, không thể giải quyết dứt điểm do những người liên quan đều đã can án do bị xử lý hình sự.
Tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Giang (cựu Tổng giám đốc VEAM), ông Hồ Mạnh Tuấn (cựu Phó tổng giám đốc VEAM) tiếp tục bị khởi tố với cáo buộc chỉ đạo mua 305 bộ khuôn dập cabin ô tô về rồi "bỏ không", gây thiệt hại 27 tỷ đồng.
Năm 2022, hai cựu chủ tịch HĐQT VEAM là các ông Trần Ngọc Hà và Lâm Chí Quang đã bị tuyên án 11 năm tù và 8 năm tù, về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Sau khi đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM từ năm 2018 và phải thực hiện minh bạch hóa thông tin theo quy định, nhiều vấn đề nghiêm trọng dần được hé lộ trong bức tranh tài chính của VEAM.
Từ đó đến nay, nhiều lãnh đạo đương thời cũng như cựu lãnh đạo của VEAM đã vướng vòng lao lý. Số cán bộ từng công tác ở VEAM phải ra tòa lên đến hơn chục người.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận