Hiện có một số hãng xe máy tại Việt Nam đã và đang chuyển sang sản xuất xe máy điện. Tuy nhiên, với thói quen sử dụng xe máy động cơ nhiên liệu của số đông người dân, liệu xe máy điện có đủ khả năng cạnh tranh, thay thế?
Bước ngoặt sản xuất xe máy điện
Năm 2018 có thể coi là một dấu mốc mở ra một xu hướng sản xuất xe máy điện tại Việt Nam. Sự kiện đáng chú ý nhất là việc hãng xe VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho ra mắt mẫu xe máy điện Klara đồng thời khánh thành Nhà máy Sản xuất Xe máy điện có công suất tới 250.000 xe/năm (có thể nâng lên đến 1 triệu xe/năm). Hãng xe này cũng công bố các kế hoạch phủ sóng khoảng 30 nghìn trạm sạc và cho thuê pin để hoàn thiện hệ sinh thái xe điện của mình.
Không chỉ VinFast, nhiều thương hiệu xe máy lớn cũng bắt đầu quan tâm đến thị trường xe máy điện tại Việt Nam. Ông Gianluca Fiume, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Piaggio Việt Nam cho biết, Piaggio sẽ mang đến thị trường Việt Nam mẫu xe điện hai bánh tên Vespa Elettrica vào quý I/2019. Đây là model tiếp theo của Piaggio bên cạnh những model đã có trên thị trường thế giới như: Liberty chạy điện, xe đạp điện Piaggio Wi-Bike hay Piaggio MP3 Hybrid.
"Xe điện có thể là một trong những giải pháp tiềm năng cho vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, vẫn hiện hữu nhiều những thách thức về mặt công nghệ, kỹ thuật như khả năng vận hành so với xe chạy bằng xăng, chi phí đầu tư cơ sở vật chất như các trạm sạc điện, yêu cầu trong quy trình tái chế pin…"
Ông Toshio Kuwahara
Tổng giám đốc Honda Việt Nam
Là thương hiệu xe máy lớn nhất Việt Nam, Honda cũng có những động thái để tham gia thị trường này. Theo thông tin, hãng xe này đã bắt đầu sản xuất một số mẫu xe điện dù chưa công bố và bán ra thị trường.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Toshio Kuwahara, Tổng giám đốc Honda Việt Nam (HVN) cho biết: “Xe điện có thể là một trong những giải pháp tiềm năng cho vấn đề ô nhiễm môi trường. Honda Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu thêm để phục vụ tốt hơn những nhu cầu của xã hội và bảo vệ môi trường”, Tổng giám đốc HVN hé lộ về khả năng nhiều mẫu xe điện của Honda sẽ được ra mắt thị trường Việt Nam trong năm 2019.
Mới nhất, một doanh nghiệp xe máy điện tại Hàn Quốc có tên Zio Motors cũng xúc tiến sản xuất xe máy điện tại Việt Nam thông qua việc bắt tay với một số doanh nghiệp phụ trợ tại Việt Nam để cung cấp các linh phụ kiện lắp ráp xe trong năm 2019. Đại diện Zio Motors Việt Nam cho biết, sản phẩm xe máy điện của hãng sẽ tiết kiệm chi phí bảo dưỡng cũng như chi phí vận hành tới 95% so với xe máy đốt trong truyền thống.
Để sản xuất xe máy điện hiện nay có nhiều loại công nghệ khác nhau như: Xe điện đặt động cơ tại trục bánh xe và loại động bên ngoài bánh xe. Bên cạnh đó, hiện còn có loại xe hybrid (xe lai giữa động cơ đốt trong và điện). Theo ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT), công nghệ đặt động cơ tại trục bánh xe hiện nay khá phổ biến và xuất hiện trên đa số các xe máy điện Trung Quốc, kể cả VinFast.
“Khi lắp động cơ bên trong bánh xe, mô-men truyền lực trực tiếp vào bánh xe nên việc điều khiển không được chủ động như những xe lắp động cơ bên ngoài vốn sử dụng hệ truyền động giống với xe động cơ nổ bình thường. Cứ hình dung, xe máy điện đặt động cơ ngoài bánh xe có thiết kế không khác gì một chiếc xe máy chạy bằng động cơ xăng bình thường, chỉ khác động cơ xăng được thay thế bằng động cơ điện”, ông Hà giải thích thêm.
Nhận xét về hai loại thiết kế động cơ này, ông Đào Xuân Hải, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới (VAQ) - Cục Đăng kiểm VN cho biết, việc mô tơ điện đặt ngoài bánh xe có thể giúp thay đổi được tỉ số truyền, mô men xoắn (sức kéo) tốt hơn các xe đặt trong. Hiểu đơn giản là chiếc xe có thể leo dốc tốt, chở được nặng hơn so với những động cơ đặt trong bánh. Tuy nhiên, nếu đặt ngoài thì xe máy điện sẽ cần trang bị thêm bộ phận truyền động từ động cơ xuống đến các bánh xe còn động cơ đặt trong trục bánh thì truyền trực tiếp nên dễ dàng thiết kế và sửa chữa.
Xe máy điện có thay thế được xe xăng?
Hiện tại, Việt Nam cũng đang rất quan tâm đến vấn đề môi trường đặc biệt là việc hạn chế các khí phát thải ra môi trường. Trước đó, ngày 17/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố. Mới đây, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã chính thức phê duyệt đề án cấm xe máy vào trung tâm thành phố kể từ năm 2030. Đây được coi là những lợi thế tạo tiền đề cho xu hướng sản xuất và kinh doanh các mẫu xe máy điện.
Theo PGS. TS. Tạ Cao Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và sáng tạo công nghệ (CTI) - ĐH Bách khoa Hà Nội: “Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều công ty tham vọng sản xuất xe máy điện. Chẳng hạn như, VinFast có năng lực rất lớn về sản xuất xe, đồng thời phối hợp được với nhiều đơn vị mở trạm sạc ở các trạm xăng trên toàn quốc. Trong thời gian tới, thị trường xe máy điện tại Việt Nam sẽ cạnh tranh khốc liệt. Xe máy điện sẽ là xu hướng tất yếu và bùng nổ trong thời gian tới”.
Tại Việt Nam hiện có khoảng 46 triệu chiếc xe máy đang lưu hành và mỗi năm vẫn tiêu thụ gần 3 triệu xe. Vì thế, nếu thay đổi được thói quen của người tiêu dùng trong việc sử dụng xe máy động cơ đốt trong và xe máy điện chứng minh được chất lượng cũng như sự tiện ích khi sử dụng sẽ mở ra một thị trường rất lớn.
Mặc dù vậy theo một số nhận định, thị trường xe máy điện không dễ để có thể cạnh tranh với các dòng xe truyền thống. Ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho rằng, xe điện có những khó khăn nhất định khi muốn vươn lên, thay thế xe máy động cơ xăng truyền thống.
“Quan trọng nhất là hạ tầng các trạm sạc điện bởi xe điện yêu cầu thời gian sạc mà hiện nay hạ tầng chưa bố trí được. Tiếp đến, xe máy điện bị hạn chế về quãng đường di chuyển, không đi được xa như xe máy xăng. Vì thế, nếu không khắc phục được điều này bằng cách tích hợp sạc nhanh cho xe máy điện hay có nhiều trạm đổi pin thì xe máy điện trong tương lai khó có thể thay thế được xe máy”.
Để đầu tư hạ tầng đồng bộ và hiệu quả cho xe điện, theo TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cơ quan quản lý cần có một khuôn khổ chung để đảm bảo sự tương thích giữa hệ thống của các nhà đầu tư khác nhau đồng thời đảm bảo sự chia sẻ giữa các phương tiện của các hãng khác nhau bởi hạ tầng suy cho cùng là để phục vụ người dân. Khi đã có một khung pháp lý chung có thể kêu gọi các nhà đầu tư khác nhau nhưng vẫn đảm bảo các quy chuẩn, khả năng kết nối để có thể dùng chung những dịch vụ như vậy. Điều này vừa đảm bảo tính hiệu quả của việc đầu tư và cũng vừa mang lại hạ tầng tốt nhất cho những người dân sử dụng loại hình di chuyển này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận