Trong dịp Tết, tuy mọi người đều nghỉ lễ nhưng theo khảo sát của PV, nhiều đơn vị cứu hộ giao thông uy tín không tăng giá, vẫn giữ nguyên như ngày thường. Tuy nhiên, thực tế có không ít trường hợp phản ánh về tình trạng cứu hộ giao thông chặt chém khi xe bị tai nạn.
Giám đốc Cứu hộ 116, ông Bùi Xuân Duyên cho biết, vào ngày Tết, công ty bố trí nhân lực hài hòa để ai cũng vừa được ăn Tết nhưng vẫn phải đảm bảo công việc cứu hộ. Tết Nguyên đán tới đây, quân số “trực chiến” tại Cứu hộ 116 khoảng từ 50 - 70% so với ngày thường.
Về giá cứu hộ, thông thường, đơn vị có một mức giá chung không thay đổi trong dịp Tết. Như cứu hộ một chiếc xe con, xe du lịch 16 chỗ trong khu vực nội thành Hà Nội (bên này sông Hồng) có giá từ 600.000 - 700.000 đồng. Còn đối với khu vực ngoại thành sẽ tính theo kilomet. Kilomet đầu tiên sẽ đắt hơn, kilomet tiếp theo rẻ hơn. Ví dụ, cần cứu hộ đưa xe từ Hà Nội đi Hải Phòng thì kilomet đầu tiên khoảng 300.000 - 400.000 đồng và kilomet tiếp theo tầm 20.000 đồng/km. Hoặc tính bình quân 23.000 đồng/km. “Trên đường cao tốc, bắt buộc đi vào và ra ở những nút giao chứ không thể rẽ ngang được. Cộng thêm phí vé lượt đi, lượt về thành ra chi phí bị cao hơn”.
Giám đốc Cứu hộ ABC, ông Trần Văn Minh cũng cho biết, gần 10 năm nay, giá dịch vụ cứu hộ trong ngày Tết không khác so với ngày thường, kể cả khi xe bị ngập nước. Ví dụ sang phía bên kia sông Hồng như Gia Lâm, giá cứu hộ sẽ là khoảng 700.000 đồng. Còn cứu hộ ngoại thành như từ Hải Phòng về Hà Nội, giá cứu hộ sẽ tính theo km khoảng từ 20.000 - 22.000 đồng/km. Tuy nhiên, cũng không thể máy móc trong việc tính giá cứu hộ bởi nếu như cần cứu hộ ở những khu vực như Thường Tín hay Sơn Tây, nếu tính theo kilomet thì không được mà còn phải tính thêm các chi phí như tắc đường, thời gian vào. Khi đó, giá cứu hộ sẽ được tính theo chuyến.
Tương tự, đại diện Công ty Cứu hộ Rạng Đông (TP Hồ Chí Minh) cho biết, không tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán. Giá cứu hộ trong khu vực nội đô TP Hồ Chí Minh sẽ có giá từ 550.000 - 600.000 đồng và hoạt động xuyên Tết với khoảng 50% quân số (khoảng 4 người và 2 xe chạy chính).
Tuy nhiên, theo các đơn vị cứu hộ này, mức giá trên chỉ dành cho các trường hợp kéo xe bình thường. Tùy vào từng tính chất vụ việc hay tai nạn, giá cứu hộ sẽ khác nhau.
“Mình đã là người dùng ô tô thì nên chuẩn bị trước các tình huống xấu có thể xảy ra. Đầu tiên phải chú ý bảo dưỡng chiếc xe thật tốt để giảm thiểu rủi ro khi tham gia giao thông xuống mức thấp nhất. Bên cạnh đó, phải biết được những lỗi nhỏ có thể tự khắc phục được chứ không phải lúc nào cũng cần gọi cứu hộ”, Giám đốc Cứu hộ 116 - Chi hội trưởng Chi hội Cứu hộ giao thông đường bộ Việt Nam đưa ra lời khuyên.
Bên cạnh đó, khi không may chiếc xe gặp sự cố hay tai nạn cần tới cứu hộ giao thông, điều khách hàng cần làm là diễn tả chi tiết tình trạng sự cố, thông tin của chiếc xe hay hiện trường vụ tai nạn, địa điểm, vị trí để từ đó đơn vị cứu hộ sẽ báo giá và thời gian chuẩn nhất, cử người cũng như loại xe phù hợp đến để thực hiện công tác cứu hộ. Thời gian cứu hộ chuẩn cũng là một trong những tiêu chí đánh giá uy tín của đơn vị cứu hộ bởi không thể để khách hàng phải chờ đợi lâu mà không biết bao giờ xe cứu hộ mới tới.
Ngoài ra, khách hàng có thể thông qua một số kênh như garage quen thường lui tới sửa xe, đơn vị bảo hiểm (nếu có) hay chính nơi mua xe để tìm được dịch vụ cứu hộ uy tín. Đây là những nơi khi xe không may gặp sự cố sẽ được kéo về sửa chữa nên tránh được tình trạng bị chặt chém, báo giá quá cao khi gọi cứu hộ giao thông.
Cuối cùng, đại diện Chi hội Cứu hộ giao thông đường bộ Việt Nam đưa ra lời khuyên với khách hàng khi gọi cứu hộ giao thông nên nắm bắt mặt bằng giá chung của dịch vụ cứu hộ để từ đó đàm phán giá, tránh bị chặt chém. Hãy yêu cầu đơn vị cứu hộ báo giá trước, tránh để xảy ra tình trạng cứu hộ xong mới hỏi tới giá tiền dịch vụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận