Hiện tượng "vẫy đuôi cá" là gì?
"Vẫy đuôi cá" là hiện tượng thường gặp khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Đặc biệt hay gặp trên những xe được trang bị hệ thống phanh đĩa ở phần bánh sau, và di chuyển ở tốc độ cao.
Hiện tượng này xuất hiện khi người lái thực hiện sai kỹ thuật phanh ở tốc cao. Khi lực phanh giữa hai hệ thống trước/sau không đều sẽ tạo ra chênh lệch tốc độ giữa hai bánh xe, dẫn đến bánh sau bị giảm tốc đột ngột hoặc bị khóa cứng, làm mất độ bám đường của bánh xe.
Do bánh sau bị mất lực bám đường nên sẽ xảy ra hiện tượng trượt bánh, kéo theo đó là phần thân sau của xe bị vẫy, lắc mạnh qua lại hai bên và trở nên mất kiểm soát. Rủi ro đi kèm sẽ càng lớn khi chạy ở tốc độ càng cao.
Một trường hợp khác xảy ra, nếu bánh trước khóa cứng, phần đuôi xe có thể vượt lên trước, xe quay ngoắt 180 độ hoặc đổ.
Các tình huống này khi xảy ra sẽ khiến người lái mất bình tĩnh, không điều hướng được phương tiện, dễ dẫn tới va chạm với các xe bên cạnh, gây mất an toàn giao thông.
Cách xử lý tình huống "vẫy đuôi cá"
Với sự phát triển của công nghệ, ngày nay đa phần những mẫu xe được trang bị phanh đĩa sẽ đi kèm với hệ thống chống bó cứng phanh ABS (Anti - Lock Brake System). Đây là một trợ thủ đắc lực, giúp giảm thiểu hiện tượng bó cứng phanh – nguyên nhân dẫn tới tình trạng "vẫy đuôi cá".
Trong trường hợp không được trang bị hệ thống phanh ABS, người lái có thể tập thói quen phanh nhấp/nhả liên tục, tránh bóp cứng phanh để hạn chế trường hợp bó bánh xe.
Nếu không may xảy ra tình huống "vẫy đuôi cá", người lái cần giữ hai tay thẳng và thật chắc tay lái sao cho phần đầu xe và bánh trước hướng thẳng về phía trước. Tránh trường hợp mất lái lao sang bên đường đối diện hoặc vệ đường nguy hiểm.
Sau đó từ từ nhả phanh sau để tránh bị khóa bánh, rồi nhả tay ga và siết dần phanh trước nhằm giảm tốc độ, đảm bảo giữ cho xe chạy thẳng chầm chậm, bình tĩnh để xe lao đi theo quán tính.
Lưu ý không phanh gấp bánh trước vì có khả năng gây ra mất độ bám ở cả bánh trước, sẽ càng nguy hiểm hơn.
Sau khi hai bánh đã đồng bộ được tốc độ với nhau, thân xe đã ổn định, người lái có thể lên ga để tiếp tục hành trình.
Ngoài ra, tài xế cần lưu ý các khúc cua, do đây là nơi hạn chế tầm nhìn, khó để lường được hết chướng ngại vật phía trước. Nếu không chú ý dễ bất ngờ khi gặp chướng ngại vật, dẫn tới hiện tượng phanh gấp nguy hiểm.
Để đảm bảo an toàn, trước mỗi chuyến hành trình người lái cần phải làm quen chiếc xe, đặc biệt là những chiếc xe mới lái lần đầu. Dù là người lái xe lâu năm, có nhiều kinh nghiệm, khi phải lái một chiếc xe mới, hãy dành thời gian làm quen với nó.
Sẽ có một vài khác biệt về cách bố trí các nút điều khiển, kích thước xe, việc truyền trọng lượng từ bánh sau lên bánh trước ở mỗi xe cũng khác nhau. Việc làm quen sẽ giúp tài xế xử lý các tình huống linh hoạt hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận