Maserati Grecale GT được xem là nốt nhạc giao thoa giữa quá khứ và hiện tại của thương hiệu cây đinh ba. Với thông điệp "The Everyday Exceptional", Grecale sở hữu nhiều yếu tố cần có ở một mẫu xe đa dụng, linh hoạt, mạnh mẽ, thoải mái và không kém phần sang trọng.
Khám phá chiếc xe có biểu tượng đinh ba
Thời điểm Grecale chính thức ra mắt trên toàn cầu, tôi đã cảm thấy sốc nhẹ đôi chút. Những mẫu xe của Maserati đều sở hữu những đường nét có phần sắc cạnh, gai góc, vốn là điểm tạo nên sự khác biệt. Việc mang đến cho Grecale thiết kế có phần mềm mại hơn khiến chiếc xe có phần "mất chất".
Phần đầu của Grecale có thiết kế khá gãy gọn, khiến đây trở thành nhược điểm ở ngoại thất của mẫu xe này. Bù lại, phần đuôi xe sở hữu những đường nét khá vừa mắt, mang thiên hướng tương lai.
Một số bộ phận trên Grecale cũng được thừa hưởng từ những mẫu xe khác của Maserati, điển hình như cụm đèn trước từ mẫu siêu xe MC20, hay cụm đèn hậu boomerang thừa hưởng từ mẫu xe thể thao Giugiaro 3200 GT ra đời cách đây hơn 25 năm.
Cách bố trí khoang động cơ, cabin và khoang hành lý cũng có phần thiếu cân đối, khiến xe trở nên khá cục mịch khi nhìn từ bên hông. Tuy nhiên Grecale vẫn đẹp theo cách của riêng nó. Bằng chứng là khi di chuyển trên đường hay dừng lại đổ xăng, tôi nhận thấy nhiều người đi đường đã ngoảnh lại nhìn chiếc xe này, đủ để cho thấy được sự độc lạ và khác biệt.
Maserati Grecale có phong cách hiện đại, loại bỏ nhiều nút bấm cơ học và thay bằng màn hình cảm ứng. Cụm cần số cũng được chuyển sang dạng nút bấm, mang đến không gian rộng rãi hơn ở khu vực bệ trung tâm.
Ở chính giữa là màn hình giải trí trung tâm kích thước 12,3 inch và màn hình điều chỉnh hệ thống điều hòa 8,8 inch với độ hiển thị khá sắc nét và trực quan. Một trong những điểm khác biệt của Grecale so với những mẫu xe khác trong gia đình Maserati là đồng hồ điện tử ở chính giữa táp-lô. Chi tiết này sở hữu 3 mặt đồng hồ khác nhau, cùng khả năng hiển thị la bàn, lực phanh và ga, lực G.
Hàng ghế trước được trang bị thêm đệm hơi, mang đến khả năng "ôm lấy" người lái tốt hơn. Với chiều dài cơ sở lên đến 2,9 mét, Grecale sở hữu không gian khá rộng rãi ở hàng ghế sau, đi kèm hệ thống điều chỉnh điều hòa riêng biệt.
Trong chuyến đi lần này, tôi đi cùng với 3 người bạn. Khoang hành lý của Grecale khá rộng rãi, lên đến 535 lít, cao hơn nhiều mẫu xe khác cùng phân khúc, giúp tôi có thể mang theo nhiều vali và các vật dụng cần thiết.
Ngoài ra, Maserati cũng trang bị cho Grecale hệ thống âm thanh Sonus Faber phiên bản Premium thửa riêng, công suất 860 W, đi kèm khả năng kết nối Apple CarPlay/Android Auto không dây, sạc điện thoại không dây…
Hiệu năng đáng gờm
Chiếc xe tôi cầm lái thuộc phiên bản GT tiêu chuẩn, với công suất 300 mã lực và 450 Nm mô-men xoắn từ khối động cơ xăng hybrid I4, dung tích 2.0L tăng áp. Có đến 3 chế độ lái được trang bị trên Grecale, bao gồm Comfort, GT và Sport.
Ở chế độ mặc định GT, Grecale mang đến sự cân bằng giữa hiệu suất và sự êm ái. Sang chế độ Comfort, người dùng có thể tận hưởng được sự nhẹ nhàng mà những chiếc xe sang trọng mang lại. Khi chuyển sang Sport, Grecale như mãnh thú xổng chuồng, "chồm" lên một cách cực kì hung bạo sau mỗi cú đạp ga.
Lúc này, ống xả phát ra âm thanh cực kì phấn khích, hệ thống treo cũng cứng hơn. Mặc dù đã có kinh nghiệm vận hành những mẫu siêu xe mạnh 500-600 mã lực, tôi vẫn cảm thấy ngợp khi cầm cương Grecale ở chế độ này.
Đây cũng là ưu điểm và nhược điểm của Grecale. Sở dĩ, ba chế độ này mang đến ba sắc thái hoàn toàn khác nhau, giúp người dùng dễ dàng lựa chọn tùy theo mục đích sử dụng, nhưng lại khiến những người lần đầu tiếp cận mẫu xe này mất kha khá thời gian để làm quen.
Cách bố trí nút bấm khởi động cũng sẽ khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trên Grecale, chi tiết này được đặt trên vô-lăng, vốn là điều chưa từng xuất hiện trên bất kỳ mẫu xe nào khác của thương hiệu.
Ấn nút khởi động, khối động cơ bắt đầu thức giấc, "chạy đà" ở khoảng 1.400 vòng/phút để làm ấm, vốn là điều quen thuộc trên những mẫu xe thể thao. Khi động cơ đã được làm ấm xong, vòng tua máy được hạ xuống dưới 1.000 vòng/phút, cabin xe lúc này chỉ còn sự yên tĩnh và dễ chịu.
Khi di chuyển trên cao tốc, khả năng tăng tốc của Grecale có dịp được phát huy tác dụng, dễ dàng vượt những xe đi chậm nhưng thích bám làn trái, vốn là vấn đề nhức nhối hiện nay. Kích hoạt chế độ phuộc thể thao, hệ thống treo Shyhook mang đến cảm giác cứng cáp nhưng vẫn mượt mà trong mỗi pha đánh lái, không quá cực đoan như những mẫu siêu xe hiệu suất cao.
Tôi lựa chọn QL 28B, đi qua đèo Đại Ninh để lên TP. Đà Lạt. Kể từ khi cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo chính thức thông xe, đây là cung đường được nhiều người lựa chọn để di chuyển từ TP.HCM đến thành phố ngàn hoa, giúp tiết kiệm thời gian hơn so với QL 20.
Khi di chuyển trong đô thị, Maserti Grecale sở hữu tính năng tự ngắt động cơ mỗi khi dừng đèn đỏ lâu. Đồng thời, động cơ mild-hybrid trên Grecale cũng là một điểm đặc biệt khi nó chỉ có công dụng điều chỉnh hệ thống tăng áp khi chạy ở tốc độ dưới 40 km/h, giúp xe vận hành mượt mà hơn.
Đến ngày cuối cùng, tôi sử dụng cung đường QL 28, đi qua đèo Gia Bắc để về lại TP.HCM. Tôi vào cao tốc khi màn đêm tối đen. Tính năng nhận diện làn đường và phương tiện có thể nhận diện được xe tải, ô tô và thậm chí là cả xe máy, đi kèm nhiều hệ thống cảnh báo hỗ trợ người dùng lái xe an toàn.
Tổng quan, Maserati Grecale đáp ứng nhiều yêu cầu mà người Việt tìm kiếm khi chọn mua ô tô, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Mức giá khởi điểm từ 4,2 tỷ đồng cũng không phải là con số khó tiếp cận trong thời buổi kinh tế phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, Maserati lại là thương hiệu khá xa lạ với người Việt, vốn đa phần là những người yêu thích sự bóng bẩy, hào hoáng của những mẫu xe Porsche hay Mercedes-Benz cùng tầm giá.
Chính vì thế, việc sở hữu Maserati nói chung hay Grecale nói riêng được xem là một bảo chứng cho sự khác biệt, khẳng định gu chơi xe của bản thân. Không ít người bạn của tôi khi được hỏi tại sao lại quyết định mua Maserati, họ chỉ trả lời đơn giản: không đụng hàng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận