Lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản, đục khoét số khung, số máy để tiêu thụ xe gian… là những thủ đoạn các đối tượng sử dụng để giao dịch mua bán ô tô.
Những chiêu lừa không ai nghĩ tới
Cơ quan CSĐT công an TP.HCM đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Phan Công Khanh để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM vừa bắt giữ Phan Công Khanh (Khanh “Super”) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cảnh sát cho biết, Khanh lợi dụng sự tin tưởng của chị Lương Ngọc Thùy Hương nhờ bán hộ chiếc McLaren, sau đó nói có khách muốn mua nên báo chị Hương đưa xe qua showroom của mình.
Đến ngày 23/5/2023, do cần tiền trả nợ và chuộc xe Mercedes G63, Khanh yêu cầu chị Hương đưa giấy tờ xe để khách mua xe xem và sau đó mang xe đi cầm cố, vay 2 tỷ đồng.
Đây là vụ lừa đảo trong giao dịch mua bán ô tô với số tiền lớn và mới nhất nên dư luận xôn xao. Thực tế, có không ít những vụ lừa đảo ở các mức độ khác nhau và tinh vi hơn nhiều.
Anh Hoàng Hà, người từng là nhân viên bán hàng tại một số đại lý ô tô kể, năm 2021 một khách hàng có ý định mua một chiếc xe cũ, đúng lúc đó đọc được tin rao bán ô tô trên một hội nhóm mạng xã hội.
Qua trao đổi, vị khách thấy xe chính chủ, chất lượng tốt và giá thấp hơn mặt bằng chung thị trường.
Thấy hời, người này ngỏ ý muốn xem xe thì người bán cho biết xe đang ở tỉnh xa và cũng có rất nhiều người quan tâm, yêu cầu cọc hai triệu đồng để làm tin. Vị khách đã chuyển khoản và tới địa điểm hẹn gặp. Nhưng khi đến nơi, anh không thể liên lạc với người bán, mới tá hỏa biết đã bị lừa.
Cũng theo anh Hà, không chỉ ô tô cũ mà ngay cả khi mua xe mới, khách hàng cũng có khả năng bị lừa.
Khoảng tháng 7/2022, thông qua giới thiệu của một người quen, anh L.V.Q (Hà Nội) tới một showroom ô tô lớn tại Hà Nội để đặt mua một chiếc xe đắt tiền. Tại đây, anh đã làm việc với một tư vấn bán hàng và chuyển 800 triệu đồng cho người này để đặt cọc và thanh toán một phần tiền cho chiếc xe.
Tuy nhiên, thay vì nộp hộ khách vào công ty, nhân viên này đã sử dụng chi tiêu cá nhân. Do lâu không có phản hồi từ đại lý, anh Q mới vỡ lẽ đã bị lừa. Nhân viên này không thể trả lại số tiền trên nên anh Q quyết định trình báo công an.
Theo anh Nguyễn Anh Tú, một người buôn bán ô tô đã qua sử dụng tại Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội), bên cạnh việc lừa khách hàng về tình trạng xe (tua kilomet, đâm đụng, ngập nước…), cũng xuất hiện những trường hợp khác như lừa mua xe vẫn đang thế chấp ngân hàng, giả mất đăng ký xe rồi xin cấp lại để bán cho nhiều người. Nếu không tỉnh táo, người mua hoàn toàn có thể sập bẫy.
Làm gì để tránh sập bẫy lừa đảo?
Để tránh bị lừa khi mua ô tô, theo anh Hà, khách hàng cần chú ý chỉ chuyển tiền vào tài khoản của đại lý (công ty) chứ không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Sau khi chuyển tiền xong, khách hàng phải yêu cầu đại lý cung cấp các giấy tờ chứng minh việc đã đặt cọc, chuyển tiền.
Người bán xe cũng phải thực hiện các giao dịch theo đúng quy định của pháp luật (cần lập hợp đồng, thủ tục công chứng, chứng thực…) sau đó mới thực hiện bàn giao lại tài sản và giấy tờ, tránh trường hợp quá tin tưởng, giao trước giấy tờ để người mua thực hiện hành vi phạm tội.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Còn anh Nguyễn Anh Tú cho biết, ngay thợ buôn xe cũng có thể bị lừa.
Ví dụ trường hợp có đăng ký xe nhưng báo mất rồi làm lại giấy đăng ký.
Với giấy đăng ký “xịn” hoàn toàn có thể thế chấp để vay ngân hàng. Trong khi thông tin chưa được đẩy lên hệ thống giao dịch đảm bảo, chủ chiếc xe đó hoàn toàn có thể mang cả xe lẫn đăng ký đi bán cho người khác. Trường hợp không kiểm tra được, người mua có thể bị lừa.
“Để phân biệt giấy tờ thật, giả không phải ai cũng có thể làm được. Vì vậy, người mua nên lựa chọn những nơi kinh doanh uy tín, có cửa hàng, cửa hiệu đàng hoàng để tránh bị lừa”, anh Tú chia sẻ.
Ngoài ra, theo anh Tú, nếu lo ngại về các vấn đề pháp lý, người mua có thể yêu cầu, ghi rõ bằng văn bản với bên bán chỉ thanh toán một phần số tiền mua xe. Sau khi làm các thủ tục sang tên hợp pháp sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại để đảm bảo an toàn.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, khách hàng khi phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo trong giao dịch mua bán ô tô có thể nộp đơn tố giác đến cơ quan công an hoặc khởi kiện đến tòa án nếu có đầy đủ các bằng chứng chứng minh hành vi giao dịch đó là lừa đảo hoặc vi phạm hợp đồng.
Khi giao dịch mua bán ô tô, người mua nên tìm hiểu kỹ về thông tin đại lý và người bán tại showroom. Đảm bảo đúng tên tuổi, địa chỉ, số CMT/CCCD, sổ hộ khẩu để thuận tiện làm những thủ tục sau này như đăng ký xe, bảo hiểm xe, xuất hóa đơn.
Theo Bộ luật Dân sự, chiếc ô tô trong hợp đồng mua bán xe phải là tài sản được phép giao dịch, không phải là tài sản cấm...
Vì vậy, khi tiến hành mua bán xe, cần kiểm tra chiếc xe có đầy đủ giấy tờ hợp pháp hay không. Tìm hiểu kỹ nguồn gốc của chiếc xe, tránh tình trạng bị lừa mua phải xe đang cầm cố ngân hàng hoặc là xe gian do phạm tội mà có; xác định hợp đồng mua xe đã được công chứng theo đúng pháp luật hay chưa.
Người mua cũng nên đọc kỹ hợp đồng mua xe. Trong hợp đồng, cần phải ghi rõ thực trạng của chiếc xe, tránh tình trạng kiện tụng không đáng có phát sinh sau này. Thời hạn giao nhận xe cũng phải được xác định và ghi chi tiết trong hợp đồng mua bán.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận