Những chiếc xe sang của Đức đời cũ thường mang tiếng nhanh mất giá, hay hỏng vặt, chi phí sửa chữa đắt đỏ khiến nhiều người dù thích nhưng vẫn rất đắn đo. Vậy thực tế thế nào, người mua cần lưu ý gì?
Sai lầm "dồn hết tiền tậu xe"
Tại một garage chuyên sửa chữa các loại ô tô Đức nằm ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), PV từng bị hút hồn bởi chiếc Mercedes-Benz C300 AMG đời 2010 bóng loáng, có giá bán chỉ hơn 300 triệu đồng.
Anh Hoàng Linh cho rằng, một chiếc xe sang Đức dù cũ nhưng nếu được chăm sóc, sử dụng đúng cách thì rất lành.
Chủ garage cho biết, chủ xe đang gửi nhờ bán hộ dù vừa chi hàng chục triệu đồng để sửa lại hệ thống giàn lạnh và một số hạng mục khác. Trước đó, vì thấy xe rẻ, ngoại thất còn đẹp nên vị chủ xe quyết định xuống tiền. Nhưng khi sử dụng, phát sinh số tiền sửa chữa lớn nên chủ xe đành gửi bán.
Anh Hoàng Linh, người đang sử dụng chiếc Mercedes-Benz C300 AMG đời 2012 mua lại từ một người bạn cũng thừa nhận, nhiều người muốn làm hình ảnh bằng những chiếc xe sang, giá rẻ, thường tìm mua những chiếc xe Đức cũ như Mercedes-Benz, Audi, BMW…
Trong khi đó họ không hề có kiến thức, kinh nghiệm về xe dẫn tới việc sử dụng, chăm sóc xe không đúng cách. Việc dồn hết tiền "tậu xe" cũng khiến người sử dụng gặp khó nếu xe gặp lỗi.
"Nhiều người Việt mua xe Đức thường là làm hình ảnh. Phần lớn phải đi vay để mua, hoặc túi có 10 đồng thì mua xe hết cả 10 đồng, trong khi giá trị xe sang của Đức thường nằm ở dịch vụ đi kèm. Do đó, cách mua xe Đức hợp lý là nếu có 10 đồng hãy mua xe chỉ 6 - 7 đồng, để 3 - 4 đồng còn lại tận hưởng các dịch vụ cao cấp", anh Linh chia sẻ.
Anh Nguyễn Anh Tú (quận Long Biên, Hà Nội) từng sử dụng qua rất nhiều đời xe BMW cho hay, sai lầm của một số người mới chơi xe Đức cũ là chỉ nghe trên mạng nên lầm tưởng, không hề biết vì sao chủ xe trước phải bán.
"Mua một chiếc BMW hơn hai mươi năm tuổi không đơn giản cứ mua về là đi. Trước đây, tôi có sử dụng một chiếc BMW đời E34 (BMW 5-Series giai đoạn 1988 – 1995), cả mua và sửa hết hơn 600 triệu đồng. Nói chung xác định để chơi, đi được xe Đức đời sâu phải có kinh tế. Thứ hai phải xác định xe bị hỏng hóc là chuyện bình thường, xe mua về phải đi sửa chữa", anh Tú nói.
Phải có kiến thức mới nên mua
Anh Linh cho biết, khi mua một chiếc xe Đức cũ trước hết phải ưu tiên chọn một chiếc xe còn tốt, tức là được chăm sóc bảo dưỡng đầy đủ, đúng cách, tốt nhất là được chăm sóc chính hãng. Vì với triết lý sản phẩm và cơ khí chính xác của Đức, việc chăm sóc không đúng cách sẽ khiến chiếc xe xuống cấp không thể phục hồi.
"Nhiều người khi nghĩ đến xe Đức cũ thường nghĩ tới mức giá vài trăm triệu mà quên mất nó thật ra là những mẫu xe vài tỷ đồng, nên đồ thay mới chính hãng chắc chắn không hề rẻ, đôi khi bằng giá mua cả chiếc xe. Xe Đức cũng chịu tiếng oan vì nhiều người chủ đầu không chịu bảo dưỡng đúng cách, dùng cho "tã" sẽ bán luôn", anh Linh nói thêm.
Theo anh Linh, xe Đức nói chung và xe sang của Đức nói riêng thường có nhiều ưu điểm vượt trội như công nghệ đi trước thời đại, máy móc mạnh mẽ, cảm giác lái ấn tượng, thiết kế đẳng cấp, mọi chi tiết tỉ mỉ… Tất cả những yếu tố này khiến những người dùng một khi đã mê thường rất khó dứt ra.
Còn với anh Tú, việc sở hữu một chiếc xe Đức cũ không hề "đáng sợ" nếu biết cách xem xe, lựa chọn một chiếc ô tô vẫn còn "chất" ngay từ ban đầu: "Có những thời điểm tôi sở hữu 4 chiếc BMW cũ cùng lúc. Đến giờ tôi vẫn đang tìm một chiếc BMW E46 số sàn".
"Mua những chiếc xe Đức cũ phải có kiến thức. Đầu tiên, khi xem xe nhìn qua phải xác định xe đang gặp vấn đề gì, sẽ phải đầu tư bao nhiêu tiền để sửa chữa, nâng cấp. Những người không xác định được, có thể mua phải chiếc xe "nay sôi nước, mai chết máy" xong ngán ngẩm, kêu xe nhiều lỗi", anh Tú nói.
Tuân thủ nguyên tắc để đi tốt, dùng bền
Theo anh Tú, người mua xe Đức cũ nên để ra một khoản tiền nhất định để nâng cấp cho thật tốt rồi mới sử dụng. Ví dụ với dòng BMW E46, tối thiểu phải xác định bỏ ra thêm khoảng 100 triệu đồng hoặc hơn thì mới có thể chạy ổn định, tùy vào tình trạng xe.
Anh Nguyễn Anh Tú cho biết, muốn có một chiếc xe Đức đời cũ đẹp, chạy tốt thì mua về bắt buộc phải dự trù một khoản ngân sách để làm xe.
"Đồ thay thế, sửa chữa mua ngoài hiện nay không thiếu. Với dòng E46, đến giờ đã hơn 20 năm bán ra nhưng lượng người chơi dòng xe này vẫn rất đông. Do vậy, vẫn có nhiều nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng thay thế. Đây có thể xem là trường hợp rất hiếm gặp với một sản phẩm thương mại trên 20 năm tuổi.
Lỗi phổ biến thường gặp trên xe Đức chủ yếu là hệ thống đường nước làm mát, khi đến hạn người dùng không được tiết kiệm, phải thay mới. Động cơ xe Đức thường làm việc ở nhiệt độ cao trên 100 độ C nên hao mòn lớn hơn nhưng bù lại sinh công lớn hơn", anh Tú nói thêm.
Còn với anh Linh, nếu đã chọn mua được xe tốt, về cơ bản chi phí "dọn" sẽ không đáng kể, thường chỉ thay mới các loại chất lỏng như nước làm mát, dầu máy, dầu hộp số. Các vật tư tiêu hao như lọc gió, má phanh, cao su đệm, hoặc đen hơn thì cần thêm lốp và giảm xóc, nhất là với xe chạm mốc 50.000km.
"Chi phí phụ thuộc vào từng dòng xe và tình trạng xe. Cá nhân tôi thường cố gắng làm thế nào để xe trở về tình trạng như mới nên sẽ thay mới thêm một số vòng bi, gioăng, phớt… Nếu là xe tốt, chi phí bảo dưỡng định kỳ sau đó sẽ không đáng kể, thường 2 - 3 triệu đồng/lần 8.000km.
Dĩ nhiên con số này cao hơn so với xe Hàn, Nhật nhưng không phải vấn đề với những người đã mua ô tô, nhất là mua xe châu Âu. Để đi tốt dùng bền, cần tuân thủ nguyên tắc "dùng đúng đồ" và "dùng đúng cách".
Theo một chủ garage, với xe Nhật, Hàn, Mỹ, người Việt thường có thói quen đi đến khi xe phát sinh vấn đề thì mới mang vào hãng. Cách làm này sẽ là "tự sát" đối với xe Đức, vốn có các linh kiện được thiết kế ăn rơ với nhau, rất dễ một thứ hỏng lôi theo những thứ khác, khiến chi phí sửa chữa có thể lên cả trăm triệu đồng.
Với xe Đức, ngoài việc bám sát chương trình bảo dưỡng của nhà sản xuất, người dùng nên tự trang bị cho mình một số kiến thức về chiếc xe để biết khi nào cần thay linh kiện gì trước khi nó hỏng và ảnh hưởng tới những thứ khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận