Trong dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đang được Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình ra Quốc hội, có điều khoản 59 quy định “Không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm”.
Cụ thể, điều luật 59 nêu: “Trong trường hợp xảy ra tổn thất, người được bảo hiểm không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm, và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn hoặc giảm thiểu tổn thất, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc các bên có thoả thuận khác”.
Vụ tai nạn ngày 20/3/2021 tại Quảng Trị, gây tổn thất toàn bộ cho nhiều phương tiện. Ảnh minh họa
Theo chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Khắc Xuân (Công ty TNHH dịch vụ tư vấn bảo hiểm InFair), quy định này không mới, phù hợp với thông lệ quốc tế về ràng buộc trách nhiệm với tài sản được bảo hiểm.
“Tài sản là một chiếc xe rơi xuống vực, một con tàu đắm ngoài biển hay một sà lan bị chìm trên sông gây cản trở luồng lạch, nếu là tài sản đã được bảo hiểm, người chủ tài sản đó (bên mua bảo hiểm) có thể được bồi thường bảo hiểm, tuy nhiên không được phép từ bỏ tài sản này mà vẫn phải có trách nhiệm đến cùng, tức là phải tổ chức trục vớt lên”, ông Nguyễn Khắc Xuân lý giải.
Theo ông Xuân, thông thường khi tài sản bị tổn thất toàn bộ, công ty bảo hiểm có thể thu hồi hoặc không thu hồi; trường hợp không thể thu hồi (chẳng hạn xác tàu đắm ngoài khơi) thì bên mua bảo hiểm cũng không được từ bỏ tài sản này.
Chưa hết, trong thực tế cũng có nhiều trường hợp, người được bảo hiểm đã nảy sinh ý đồ trục lợi thông qua việc để mặc cho tổn thất xảy ra nhằm hưởng tiền bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm.
Bởi vậy, quy định này đồng thời là nghĩa vụ đề phòng, hạn chế tổn thất đối với tài sản của người mua bảo hiểm, ngăn chặn mục đích trục lợi trong bảo hiểm tài sản.
“Quy định không được phép từ bỏ tài sản xuất phát từ yêu cầu bảo vệ tài sản để tránh tổn thất xảy ra, dẫn đến việc doanh nghiệp bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường từ hành vi vô trách nhiệm đối với tài sản bảo hiểm của người được bảo hiểm”, ông Xuân lý giải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận