Buýt nhanh BRT nhận được sự quan tâm, bàn luận của cộng đồng mạng |
Với sự trợ giúp của các lực lượng chức năng tại hầu hết các nút giao, xe buýt nhanh BRT bất ngờ hoàn tất lộ trình trong 50 phút ngay trong ngày đầu tiên thử lửa giữa giờ cao điểm cho cả lộ trình từ Kim Mã đến Yên Nghĩa so với yêu cầu đặt ra là 45 phút.
Trong mấy ngày nay, trên các trang mạng xã hội cũng ghi nhận những hình ảnh trung thực về hoạt động của loại hình vận tải công cộng mới này như: ô tô nghiêm chỉnh chấp hành làn đường riêng cho BRT trong khi xe máy vô tư "dẫn đường" trước mũi xe buýt nhanh...
Trên trang tài khoản Facebook cá nhân, bạn Chanh Ngọt cho biết: “Buýt nhanh thấy rất ít khách đi, trong khi đó, giờ cao điểm của buýt thường thì chen lấn thôi rồi. Vì chưa có nhiều người đi buýt nên vẫn thừa chỗ mà đường thì vẫn thiếu. Vì thế, cần khuyến khích mọi người đi buýt thì mới giảm được ùn tắc”.
Hiến kế cách để các phương tiện khác không giành đường của buýt nhanh BRT, bạn Nguyễn Minh Hải cho rằng, cần cắm biển báo phạt tiền nếu đi vào đường của buýt nhanh. Còn trên trang Facebook cá nhân của mình, TS. Lương Hoài Nam hiến kế: “Sơn nâu toàn bộ làn đường xe buýt nhanh và viết thật nhiều chữ to: "Làn đường riêng cho xe buýt nhanh" lên trên đi, Hà Nội ơi!”.
TS Lương Hoài Nam đề xuất Hà Nội sơn nâu toàn bộ làn đường xe buýt nhanh và viết thật nhiều chữ to: "Làn đường riêng cho xe buýt nhanh" |
Một tài khoản Facebook khác tên Minh Anh cho biết, từng đi buýt nhanh ở nhiều nước khác trong khu vực và cũng vừa được trải nghiệm buýt nhanh BRT đầu tiên ở Việt Nam. Từ đó, tài khoản này đưa ra một số nhận xét: “Hệ thống của họ có giám sát bằng GPS nên sẽ có thông tin về vị trí. Từ trung tâm sẽ nắm vị trí, giãn cách các xe để chủ động điều động từ xa”.
“Tuy mới vận hành, nhưng buýt nhanh BRT tại Hà Nội có thiết bị báo trước điểm dừng sắp tới bằng âm thanh. Hệ thống GPS kết nối với âm thanh, phát thông báo điểm dừng sắp tới là điểm nào thì hành khách chủ động biết trước được điểm dừng cần xuống, rất văn minh”.
“Xe buýt nhanh BRT của Hà Nội hiện trên xe có tới 5 bảng điện tử. Tuy nhiên các thông tin cung cấp cho hành khách là thông tin tĩnh lặp đi lặp lại, chưa hiệu quả và quá ít thông tin. Nên chăng, bảng thông tin điện tử này cần kết nối với hệ thống GPS để thông báo điểm dừng sắp tới cho hành khách văn minh hơn, đặc biệt hành khách khiếm thính. Bên cạnh đó, hệ thống camera của buýt nhanh BRT Hà Nội nếu chỉ là hoạt động theo chế độ “off” thì chưa đủ, tức là chỉ có tác dụng đối với lái xe và nhân viên trên xe chứ không truyền thông tin về được trung tâm. Nếu như vậy thì chưa phát huy hết hiệu quả trong việc kiểm soát an ninh, an toàn trên xe. Để khắc phục điều này, cần thiết kế chế độ online cho camera truyền hình ảnh trực tiếp về trung tâm để có thể kiểm soát được toàn bộ các hoạt động trên xe”.
Hiện nay, có 40 thành phố thuộc 11 nước châu Á áp dụng BRT, trong đó riêng Trung Quốc có 20 thành phố. Tuy nhiên, thực tế BRT ở châu Á chưa thể so sánh về quy mô, chất lượng như khu vực Nam Mỹ.
Theo Bảng xếp hạng tiêu chuẩn hạ tầng BRT do Viện Giao thông và chính sách phát triển của Mỹ thực hiện, tính đến tháng 3/2016, xét hơn 100 thành phố trên thế giới, dựa trên 30 tiêu chí về thiết kế hành lang BRT với thang điểm 100, có 14 thành phố trên đạt tiêu chuẩn vàng (trên 85 điểm). Trong đó, TP Bogota (Colombia) đứng đầu; Trung Quốc có TP Yichang (Nghị Xương) và Guangzhou (Quảng Châu) nằm trong Top 14. Tuy nhiên, hơn 10 thành phố khác của Trung Quốc (kể cả Bắc Kinh) không đạt tiêu chuẩn tối thiểu hoặc chỉ ở mức cơ bản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận