Tại hội thảo quốc tế “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh” vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 20/10/2022, đại diện ngành GTVT của hai thành phố lớn nhất cả nước là TP.HCM và Hà Nội bày tỏ những vướng mắc mà địa phương gặp phải, khi triển khai quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi năng lượng xanh trong giao thông vận tải đường bộ, đặc biệt là đường bộ trong đô thị.
Ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM tại hội thảo quốc tế “Phát triển phương tiện giao thông đường bộ sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh”
Theo ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM: “Ngành giao thông thành phố có lường trước câu chuyện về quy hoạch năng lượng cho hạ tầng sạc xe điện. Chúng tôi có hỏi Tổng công ty điện lực TP.HCM về việc nếu chúng tôi có quy hoạch thì ngành điện đáp ứng được không, thì bên điện lực nói đã có tính toán rồi”.
“Tuy nhiên, trong câu chuyện xe điện không chỉ có việc đi đường mà còn câu chuyện bãi đỗ xe trong đô thị mới, trong hầm chung cư hay tòa nhà văn phòng, thì phải có hành lang pháp lý dứt khoát cho xe điện. Hiện nay chưa có căn cứ pháp lý gì cho vấn đề này, bởi thế khi các địa phương từ cấp quận huyện trở lên làm quy hoạch thì phải đưa chuyện hạ tầng xe điện này vào quy hoạch”, ông Bùi Hòa An lý giải.
Cũng theo ông Bùi Hòa An: “Việc tiếp theo là câu chuyện sử dụng đất để làm trạm sạc. Sử dụng đất trạm sạc cũng giống như cây xăng vậy. Nếu là đất tư nhân thì không bàn, nhưng nếu là đất công thì yếu tố pháp lý rất khác. Bởi thế, trong phần tham luận của Phó Giám đốc Sở GTVT TP. HCM luôn có một ý - là hoàn thiện khung pháp lý”.
Ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội tại hội thảo ngày 20/10/2022
Về phía ngành giao thông Thủ đô, ông Thái Hồ Phương, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội nêu ý kiến: Hà Nội đề xuất quá trình thực hiện và thay thế phương tiện công cộng là 10 năm, từ năm 2025 đến 2035 nhằm đảm bảo thực hiện quyết định 876, tránh lãng phí đầu tư phương tiện, vì đến năm 2025 rất nhiều xe buýt chạy diesel sẽ phải thay thế.
“Chúng tôi kiến nghị có cách nào kéo giá phương tiện xuống không, vì giá phương tiện công cộng chạy điện hiện nay rất đắt. Như xe buýt điện VinBus giá tầm 7 tỷ đồng, đắt gấp 2 đến 2,5 lần giá phương tiện diesel. Trong khi đó, hạn mức kinh phí địa phương và Chính phủ duyệt chỉ ở mức nhất định, không thể mua sắm thoải mái các loại xe xanh về chạy”, ông Thái Hồ Phương nhấn mạnh.
Theo TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, khi các Sở GTVT địa phương làm quy hoạch để thực hiện quyết định 876/QĐ-TTg, các địa phương cũng nên lưu ý đưa quy hoạch hạ tầng trạm sạc vào, để nó trở thành “tấm bản đồ” về mạng lưới hạ tầng xe điện cho địa phương mình, trong dài hạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận