Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện status chia sẻ câu chuyện của một khách hàng trò chuyện với một nhân viên tư vấn bảo hiểm về cách tính phí gây tranh cãi. Theo đó nhân viên tư vấn cho rằng: "Hiện nay bảo hiểm phân theo giá trị xe càng cao, tỷ lệ phí càng thấp. Xe càng cũ sơn lại càng tốn tiền hơn, phụ tùng thay mới giá về sau cao hơn trước do tiền mất giá trị, mọi người cứ nghĩ sẽ thấp hơn nhưng thực tế là phải cao hơn".
Liên quan đến vấn đề này, anh T.Đ chuyên viên tính bảo hiểm vật chất xe cho biết, điều này chưa đúng. Theo đó, phí bảo hiểm xe được xác định dựa trên giá trị xe, mức miễn thường, tỷ lệ phí bảo hiểm và mục đích sử dụng xe. Giá trị xe càng lớn phí càng cao, mức miễn thường khấu trừ cao thì phí sẽ giảm xuống.
Ngoài ra, phí bảo hiểm cao hay thấp còn được xác định từ mục đích sử dụng xe khi đăng ký, nếu xe kinh doanh phí sẽ cao hơn xe không kinh doanh.
"Nếu xe mới, giá trị xe được tính là giá do hãng xe công bố (niêm yết). Đối với xe cũ sẽ có 2 cách tính. Một là khấu trừ mỗi năm 6-8% giá của xe. Ví dụ năm 2019, giá của xe mới mà khách hàng mua là 700 triệu đồng thì năm nay, giá trị xe chỉ còn khoảng 650 triệu đồng. Hai là định giá xe dựa trên mức giá bán thông dụng của mẫu xe giống xe khách hàng, cùng model và cùng năm sản xuất", anh Đoài nói.
Cùng với đó, xe có giá trị càng cao thì tỷ lệ phí bảo hiểm cũng cao theo. Ví dụ, với xe có giá 500 - 600 triệu thì tỉ lệ phí là 1,39 đến 1,59% giá trị xe, còn xe có giá gần 2 tỷ đồng thì tỉ lệ phí là 2,02% giá trị xe.
Tuy nhiên, trong trường hợp, khách hàng mua bảo hiểm xe của cùng một hãng bảo hiểm trong nhiều năm (từ 2 năm trở lên), tuổi đời xe cao, các chi trả bồi thường của năm trước cao thì công ty bảo hiểm sẽ tăng tỷ lệ phí bảo hiểm, đồng nghĩa với tăng phí bảo hiểm. Vì phí bảo hiểm được tính bằng tỷ lệ phí nhân với số tiền bảo hiểm.
Trên thực tế, các chủ xe thường đổi hãng bảo hiểm sau mỗi năm để tránh việc tăng lệ phí bảo hiểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận