Mới đây, nhóm nghiên cứu từ Viện Khoa học và Công nghệ Daegu Gyeongbuk (DGIST) tại Hàn Quốc vừa công bố loại pin ô tô điện có cấu trúc điện phân rắn 3 lớp, giúp tự dập lửa và duy trì hiệu suất cao ngay cả sau nhiều chu kỳ sạc.
Với pin điện phân rắn thông thường, trong quá trình sạc và xả, lithium có thể hình thành các cấu trúc dạng nhánh nhỏ gọi là dendrite. Những cấu trúc này có thể phá hủy kết nối bên trong pin, làm tăng nguy cơ cháy nổ. Đây là thách thức lớn trong việc việc phát triển pin lithium kim loại.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của DGIST đã khắc phục vấn đề này bằng cách phát triển cấu trúc điện phân rắn 3 lớp. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Small, thiết kế này bao gồm các lớp ngoài mềm mại để đảm bảo tiếp xúc tốt với điện cực, và lớp giữa bền chắc để tăng cường độ bền cấu trúc.
Cùng đó, điện phân của pin còn được bổ sung chất chống cháy (decabromodiphenyl ethane), muối lithium nồng độ cao, và zeolite để gia cố độ bền tổng thể. Kết quả là một loại pin an toàn hơn và đáng tin cậy hơn.
Không chỉ cải thiện an toàn, loại pin mới này còn sở hữu tuổi thọ vượt trội. Theo các nhà nghiên cứu, pin giữ được 87,9% hiệu suất sau 1.000 chu kỳ sạc và xả. Trong khi đó, các loại pin hiện tại thường mất từ 20–30% dung lượng sau cùng số chu kỳ.
Để dễ hình dung, một chiếc xe điện với phạm vi di chuyển 480km sử dụng loại pin mới này vẫn có thể chạy hơn 420km sau khi đã trải qua 480.000km sử dụng. Điều này cho thấy tiềm năng lớn trong việc tăng hiệu quả sử dụng pin cho xe điện và các thiết bị khác.
Một điểm đặc biệt nữa là khả năng tự dập lửa trong trường hợp xảy ra cháy. Tính năng này kết hợp cùng độ bền cao có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong ngành công nghiệp pin.
Dù xe điện là ứng dụng dễ thấy nhất, công nghệ pin này còn có tiềm năng trong nhiều lĩnh vực khác. Từ điện thoại thông minh, thiết bị đeo tay, đến các hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn, loại pin này có thể cải thiện cả sự an toàn lẫn hiệu suất của các thiết bị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận