Mỗi một tin nhắn, biểu tượng cảm xúc hay hình selfie có khả năng thu hút sự chú ý của tài xế, đồng thời có thể làm hạn chế nhận thức khi đang lái xe, đẩy tài xế và người tham gia giao thông khác vào vô vàn những mối nguy không đáng có. Mỗi lần nhấc điện thoại lên khi đang lái xe, khả năng quan sát của người lái sẽ suy giảm. Việc tập trung để phát hiện các tình huống bất thường xung quanh trở nên bất khả thi. Thậm chí, nguy cơ có thể bỏ qua bất cứ thứ gì đang diễn ra ở ngay trước đầu xe là hiển hiện.
Các nghiên cứu do Ford tiến hành trong năm 2017 chỉ ra rằng, nguyên nhân gây ra hiện tượng sao nhãng khi lái xe có bốn nhóm chính và việc sử dụng điện thoại di động trong khi đang lái xe tập hợp đủ bốn yếu tố này. Khảo sát từ nghiên cứu còn cho biết, số đông người lái xe tại các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương thường lơ là trước những nguy cơ do sao nhãng mang tới. Trong số những cá nhân tham gia khảo sát, 43% người tại châu Á - Thái Bình Dương thừa nhận đã gây ra tai nạn hay suýt gặp phải tai nạn do xao nhãng khi lái xe.
Hơn một nửa số tài xế ở châu Á - Thái Bình Dương thừa nhận dùng điện thoại khi đang lái xe, mặc dù họ nhận thức được sự nguy hiểm của việc làm này. Thậm chí, họ còn thừa nhận sử dụng điện thoại di động ngay cả khi đang chở những đối tượng đặc biệt như trẻ em trên xe. Ngoài ra, với những người được khảo sát, điện thoại di động được xếp đầu trong danh sách những thứ gây xao nhãng cho tài xế khi đang lái xe.
Theo chuyên gia huấn luyện lái xe Matt Gerlach, kể cả với một người bình thường, thao tác lái xe cần khoảng 85% năng lượng bộ não của họ. Do đó, thao tác gửi đi một tin nhắn hay một bức hình selfie, hay thậm chí chỉ là nói chuyện với một hành khách, có thể làm quá tải bộ não khi đang lái xe, gia tăng khả năng gây tai nạn. Vì vậy, mỗi người chỉ có thể trở thành tài xế an toàn nếu luôn hiểu được bản thân dùng bao nhiêu phần trăm trí não để lái một chiếc xe hơi.
Ngày nay, những chiếc xe ô tô hiện đại đã có nhiều công nghệ giúp hỗ trợ người lái. Nhưng chúng chỉ giúp ích khi tài xế thực sự tập trung vào việc điều khiển xe. Việc sử dụng các tính năng đàm thoại rảnh tay hay ra khẩu lệnh cũng phần nào giúp giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, an toàn tuyệt đối vẫn chỉ đạt được khi mỗi người cầm lái luôn giữ đôi mắt và tâm trí tập trung hoàn toàn vào việc vận hành những chiếc ô tô.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận