Ngày 19/7, Báo Giao thông có bài “Chủ xe tố Bảo hiểm Bảo Minh từ chối bồi thường nửa tỷ đồng sai luật” phản ánh vụ việc một doanh nghiệp vận tải tại Bình Định là Công ty TNHH Vận tải Khánh Nhung tố Tổng Công ty Bảo Minh từ chối bồi thường bảo hiểm 495 triệu đồng sai luật khi không căn cứ vào hồ sơ công an, chỉ dựa vào kết quả xét nghiệm máu có cồn, trong khi kết quả xét nghiệm này đã được cơ quan y tế xác định là trị số bình thường (dưới 10.9 mmol/L), không phải do uống rượu bia.
Sau khi có bài phản ánh, Báo Giao thông đã gửi công văn đề nghị Tổng công ty Bảo Minh (sau đây viết tắt là Bảo Minh) trả lời, làm rõ các nội dung phản ánh, trả lời bạn đọc.
Bảo hiểm Bảo Minh từ chối chi trả bồi thường sau tai nạn cho chủ xe với lý do trong máu tài xế có nồng độ cồn dù chỉ số ở dưới trị số bình thường
Tự mâu thuẫn trong việc sử dụng căn cứ để từ chối bồi thường
Tại văn bản phúc đáp ký ngày 23/7, ông Nguyễn Hùng Minh, Giám đốc Ban Bảo hiểm xe cơ giới (Tổng công ty Bảo Minh) tiếp tục bảo vệ quan điểm và cho rằng việc từ chối bồi thường đối với Công ty TNHH Vận tải Khánh Nhung là đúng pháp luật. Cụ thể:
Về câu hỏi, với những lái xe không uống rượu bia nhưng khi xét nghiệm máu vẫn có cồn sinh học do cơ thể tự sinh ra, đã được cơ quan y tế xác nhận thì có nên được coi là vô tình vi phạm quy định về nồng độ cồn? Việc Bảo Minh bỏ qua mục a, khoản 3, Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm: “Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý” để từ chối bồi thường cho khách hàng có hợp lý hay không?
Trả lời câu hỏi, ông Nguyễn Hùng Minh cho rằng: “Căn cứ khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ, khi lái xe ô tô, người điều khiển chỉ cần có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là đã vi phạm. Xét, kết quả xét nghiệm ông Huỳnh Văn Tư tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho thấy trong máu có nồng độ cồn là 0,25 mmol/l (tương đương 1,2 mg/dl). Như vậy, đủ căn cứ xác định tại thời điểm xảy ra tai nạn, lái xe đã có hành vi vi phạm về nồng độ cồn trong máu vượt quá quy định của pháp luật nêu trên. Hành vi trên thuộc điểm loại trừ quy định tại khoản 4 Điều 17 Quy tắc bảo hiểm 2288 của Bảo Minh…”.
Cho biết ý kiến về văn bản của Sở Y tế Đồng Nai xác định lái xe có kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của lái xe nhỏ hơn trị số bình thường, không có triệu chứng lâm sàng nào do tác dụng của rượu bia gây ra (dựa trên Quyết định số 320/QĐ/BYT của Bộ Y tế), Giám đốc Ban Bảo hiểm xe cơ giới của Bảo Minh cho rằng:
“Các văn bản nêu trên là hướng dẫn, đánh giá chuyên môn về y tế, có hiệu lực trong việc xác định tác động của nồng độ cồn đối với cơ thể con người về mặt sinh lý. Việc lái xe Huỳnh Văn Tư không phát sinh triệu chứng lâm sàng của rượu bia (như ghi nhận của Sở Y tế Đồng Nai) không phải là căn cứ kết luận rằng lái xe Huỳnh Văn Tư không sử dụng rượu bia tại thời điểm xảy ra tai nạn và nồng độ cồn trong máu của ông Huỳnh Văn Tư chưa vượt quá định mức theo quy định pháp luật giao thông đường bộ”.
Ở đây có thể thấy, Bảo Minh đang tự mâu thuẫn trong chính cách sử dụng các tài liệu, chứng cứ để giải quyết quyền lợi cho khách hàng của mình.
Cụ thể, về nguyên tắc, đơn vị bảo hiểm phải căn cứ vào hồ sơ, biên bản của cơ quan công an để làm cơ sở giải quyết bảo hiểm. Trong vụ việc này, lẽ ra Bảo Minh phải dựa trên căn cứ là kết luận của Công an huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) xác định nguyên nhân là do lái xe Huỳnh Văn Tư không chú ý quan sát gây ra (không ghi nhận có sử dụng rượu bia) để giải quyết quyền lợi cho khách hàng. Tuy nhiên doanh nghiệp bảo hiểm này lại bỏ qua nguyên tắc trên và chỉ căn cứ vào giấy xét nghiệm của Bệnh viện ĐKKV Long Khánh để làm cơ sở từ chối bồi thường và bất chấp kết quả xét nghiệm tại bệnh viện đã được Sở Y tế Đồng Nai kết luận là có chỉ số bình thường, không phải do uống rượu bia.
Mâu thuẫn nằm ở chỗ, Bảo Minh chỉ công nhận giấy xét nghiệm của một cơ sở y tế để từ chối bồi thường cho khách hàng trong khi lại không thừa nhận kết luận chuyên môn của cơ quan quản lý y tế đánh giá về kết quả xét nghiệm đó.
Bên cạnh đó, dường như doanh nghiệp bảo hiểm này chỉ vận dụng những điều khoản, quy định cứng nhắc, có lợi cho mình mà bỏ qua những cơ sở, chứng cứ xác đáng, khoa học mà khách hàng của mình đã chứng minh?
Bảo Minh thấu hiểu nỗi khổ của khách hàng?
Trong văn bản gửi Báo Giao thông, Bảo Minh cho biết: "Bảo Minh là một doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ sở hữu của nhà nước 50.7% thông qua cơ quan quản lý vốn là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Do đó, mọi hoạt động của chúng tôi, bao gồm công tác bồi thường bảo hiểm đều chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và các quy định pháp luật.
Các khó khăn, vướng mắc của khách hàng tương tự như trường hợp đã được phản ánh, Bảo Minh hoàn toàn thấu hiểu và thông cảm. Tuy nhiên, Bảo Minh khẳng định rằng, việc xử lý bồi thường của chúng tôi đã căn cứ, và phải căn cứ vào các quy định pháp luật, các quy tắc, điều khoản bảo hiểm, các tài liệu, chứng cứ được thu thập hợp pháp, hợp lệ trong quá trình xem xét hồ sơ".
Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng Bảo Minh cũng nhận thức rằng, trong vụ việc này lái xe không uống rượu bia nhưng trong máu vẫn có cồn nhưng lại không thể giải quyết quyền lợi cho khách hàng?
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Khắc Xuân (Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm InFair) nhận định, trả lời của Bảo Minh cố tình luận từ ngữ để từ chối mà không chịu áp dụng Mục a, Khoản 3, Điều 16, Luật Kinh doanh bảo hiểm, quy định: “Không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm vi phạm pháp luật do vô ý”. Bảo Minh cố tình vận dụng máy móc luật GTĐB để từ chối bồi thường.
Ông Xuân nhận định, trong trường hợp này, để được bồi thường, có thể khách hàng và Bảo Minh phải ra toà, phần thắng sẽ nghiêng về phía khách hàng. "Bảo Minh muốn bồi thường cũng không ai dám ký vì sợ trách nhiệm", ông Xuân chia sẻ thêm.
Án lệ đã có, sao không áp dụng?
Trước đó trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia bảo hiểm Đỗ Hồng Sơn (Công ty CP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam) nêu một vụ việc tương tự nhưng đã được toà án tuyên thắng kiện cho khách hàng bảo hiểm.
Theo đó, Bản án dân sự sơ thẩm số 23/2021/DS-ST ngày 30/3/2021 của TAND TP Mỹ Tho (Tiền Giang) mới đây đã tuyên xử Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) phải bồi thường cho ông Biện Bắc Bảo (trú xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, Bến Tre) số tiền 357,4 triệu đồng chi phí sửa chữa xe bị tai nạn từ năm 2018. Theo ông Đỗ Hồng Sơn, trong vụ án này, phía bảo hiểm PTI cũng nêu điểm loại trừ là do trong máu lái xe có nồng độ cồn.
Theo ông Sơn, có 2 tài liệu y khoa được Hội đồng xét xử xem xét. Một là công văn của Bệnh viện Quân y 120 kết luận: “Nồng độ cồn trong máu 2,44 mg/dl của tài xế trong vụ việc nằm trong giới hạn bình thường (dưới ngưỡng), không phải do sử dụng rượu bia hoặc thức uống có cồn gây ra”.
Căn cứ thứ hai, tại công văn của Trung tâm Pháp y TP HCM cũng xác nhận, nồng độ cồn trong trường hợp này thấp hơn trị số bình thường nên không ảnh hưởng đến phản xạ và độ nhạy bén.
Những chứng cứ này kết hợp với các tài liệu khác là căn cứ trọng yếu để tòa buộc bảo hiểm PTI phải bồi thường cho chủ xe Biện Bắc Bảo.
Đây có thể xem như án lệ. Đối chiếu với vụ của Bảo Minh, tài xế Huỳnh Văn Tư có chỉ số nồng độ cồn chỉ 1,2 mg/dl, còn thấp hơn tài xế trong vụ của PTI thua kiện và đều nằm trong giới hạn bình thường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận