Từ vài chiếc xe hơi thương hiệu Pháp được nhập về đầu thế kỷ XX, đến 999 xe điện “made in Vietnam” đầu tiên xuất khẩu ra thế giới cuối năm 2022, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã trải qua hơn 100 năm với nhiều cột mốc đáng nhớ.
Những chiếc ô tô xuất hiện đầu tiên
Triển lãm xe hơi tại Phòng Báo chí và Thông tin Sài Gòn năm 1949. Ảnh: RFI
Rất khó xác định chính xác chiếc ô tô đầu tiên có mặt tại Việt Nam vào thời điểm nào.
Tuy nhiên, trả lời Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) năm 2017, nhà nghiên cứu lịch sử Đông Dương Stéphanie Ponsavady, giảng viên đại học Wesleyan (Mỹ) cho biết, lần đầu tiên thấy cụm từ “xe hơi” trong tài liệu lưu trữ năm 1905.
Đó là một bản thống kê, lập tại Sài Gòn vì thị trưởng Sài Gòn khi ấy muốn lên danh sách số lượng ô tô để đánh thuế.
Vào thời kỳ này, xe hơi chủ yếu phục vụ mục đích cá nhân, đa số chủ sở hữu là những người có danh vị như luật sư, bác sĩ.
Người Việt đầu tiên mua ô tô được ghi nhận là ông Châu Văn Tú (tên Pháp là Pierre Tú), người thành lập gánh hát cải lương “Ban hát Thầy Năm Tú - Mỹ Tho” lừng danh Nam Kỳ một thời.
Theo thống kê của Tạp chí Nature xuất bản năm 1926, số lượng ô tô ở Nam Kỳ là 5.678 chiếc, Bắc Kỳ có 2.866 chiếc và Trung Kỳ có 966 chiếc.
Những chiếc xe hơi xuất hiện trong giai đoạn này chủ yếu đến từ Citroen, Peugeot và Renault - 3 thương hiệu Pháp nổi bật đầu thế kỷ 20. Theo nhà nghiên cứu Stéphanie Ponsavady, chúng có kiểu dáng nhỏ nhắn, dùng xăng và trang bị động cơ với công suất thấp, khoảng từ 2 - 4 mã lực.
Bên cạnh đó là những loại xe được cải tiến, động cơ hoạt động bằng than củi thay vì xăng. Chúng có kiểu dáng khác ô tô thông thường vì chở thêm một lò đốt than phía sau, thường có người đầy tớ ngồi sau xe cho củi vào lò.
Loại phương tiện này được gọi là xe chạy bằng gazogene, khá phát triển tại Đông Dương, đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế và Thế chiến II, sau khi quân Nhật đổ bộ vào Việt Nam.
Đầu thập niên 1950, bắt đầu có những quảng cáo ô tô hướng tới khách hàng Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu. Hình ảnh thường thấy là những phụ nữ Việt tạo dáng trước xe trong tà áo dài.
Chiếc ô tô “made in Vietnam” đầu tiên
Chiếc ô tô đầu tiên do chính tay người Việt thiết kế và chế tạo được đặt tên “Chiến Thắng”, ra đời tại miền Bắc năm 1958.
Đây là giai đoạn những năm đầu miền Bắc lập lại hòa bình sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhu cầu giao thông vận tải tăng cao khi bước vào quá trình xây dựng đất nước và chi viện cho miền Nam.
Nhiệm vụ sản xuất ô tô được giao cho Đại tá, kỹ sư Hồ Mạnh Khang, lúc bấy giờ là Giám đốc nhà máy Z157. Ông Vũ Văn Đôn, Cục trưởng Cục quản lý xe - máy (Bộ Quốc phòng) thời đó trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc. Chiếc xe được chọn làm mẫu là Fregate của Pháp, chạy bằng xăng.
Hồi tưởng trên Báo Quân đội nhân dân năm 2007, ông Hồ Mạnh Khang cho biết, đã tự thiết kế kiểu đèn chiếu sáng, đèn hậu, xi-nhan, các nẹp mạ trang trí, chắn đòn trước/sau của xe. Phù điêu phía trước và sau có chữ “Chiến Thắng”. Riêng mô hình “anh bộ đội tay cầm cờ đỏ sao vàng tiến lên” của họa sĩ Diệp Minh Châu tạo mẫu bằng thạch cao, sau đó đúc bằng đồng gắn ở đầu xe.
Ở bên trong là 2 hàng ghế, ghế sau duỗi ra thành giường. Cửa xe đóng chặt mới có thể bật đèn, nổ máy. Hệ thống giảm xóc tự điều chỉnh tùy trọng tải và xe có cả đài radio.
Vất vả, hóc búa nhất là sản xuất thân máy, nắp máy, chế hòa khí, bơm xăng, bơm dầu... Các tay thợ chiến trường phải mày mò tìm mẫu, tạo khuôn trước, sau đó đúc gang rồi mới đưa lên cắt gọt, gia công cơ khí cho thật tinh xảo. Nguyên liệu chủ yếu lấy từ đống phế liệu chiến tranh của Pháp “nấu” đúc lại.
Ngày 21/12/1958, ô tô Chiến Thắng mang biển số QS 0001 chính thức xuất xưởng. Quốc khánh năm 1959, xe tham gia đội hình diễu binh tại quảng trường Ba Đình, sánh vai cùng nhiều chiếc ô tô do nước ngoài sản xuất.
Liên doanh ô tô đầu tiên
Chiếc La Dalat trong một quảng cáo tại Sài Gòn của Citroen
Giai đoạn từ năm 1970 - 1975, mẫu ô tô giá rẻ La Dalat của thương hiệu Pháp Citroen từng được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, thông qua công ty con của hãng là Công ty Xe hơi Saigon. La Dalat có tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 25 - 40% và ước tính hơn 5.000 chiếc đã xuất xưởng trong 5 năm.
Tuy nhiên, phải đến đầu thập niên 90, Việt Nam mới có những liên doanh ô tô đầu tiên khi 2 đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài là Xí nghiệp Liên doanh sản xuất ô tô Hòa Bình (VMC) và Công ty Liên doanh Mekong Auto đi vào hoạt động.
Đối tác nước ngoài của VMC đến từ Philippines và Nhật Bản, còn Mekong Auto có cơ cấu cổ phần từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Mekong Auto khánh thành nhà máy ô tô Cửu Long năm 1992, sản phẩm đầu tiên là mẫu Mekong Star, dùng hệ dẫn động 2 cầu, động cơ cung cấp bởi hãng SsangYong (Hàn Quốc). Trước khi Mekong Auto bỏ thương hiệu Mekong năm 1997 do đối tác dừng sản xuất linh kiện, ước tính khoảng 30.000 chiếc xe đã được bán ra.
BMW là thương hiệu xe sang vào thị trường Việt sớm nhất khi hợp tác với VMC năm 1994, nhà máy lắp ráp của VMC đặt tại Triều Khúc (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Sản lượng khi đó khoảng từ 100 - 150 xe/tháng, trọng tâm là 2 dòng BMW 3-Series và 5-Series với các mẫu như 525i, 318i và 325i.
1994 cũng là năm Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam, trước khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vào năm 1995. Sự kiện quan trọng này mở đường cho hàng loạt hãng ô tô nước ngoài vào thị trường Việt, loạt thương hiệu như: Toyota, Ford, Chrysler, Mitsubishi, Isuzu, Suzuki… lần lượt xuất hiện.
Những lần đầu tiên của thương hiệu ô tô Việt
Mẫu xe cỡ nhỏ Vinaxuki VG tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2022. Ảnh: Dân trí
Năm 2004, Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) và Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) được cấp phép sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Giai đoạn đầu, cả hai đều liên doanh lắp ráp các dòng xe thương mại của những hãng nước ngoài.
Cho đến nay, Thaco vẫn trung thành với hướng đi liên doanh sản xuất, lắp ráp, phân phối xe của thương hiệu nước ngoài và thu về nhiều thành công với Mazda, Kia, Peugeot, BMW, Mini.
Trong khi đó, Vinaxuki quyết tâm theo đuổi giấc mơ xe hơi “made in Vietnam” và trở thành thương hiệu ô tô đầu tiên của người Việt.
Tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2012, Vinaxuki trưng bày mẫu xe cỡ nhỏ VG dành cho đô thị với 3 phiên bản động cơ, gồm 1.0L (VG 100), 1.5L (VG 130) và 1.5L (VG 150), có giá lần lượt là 220, 329 và 349 triệu đồng, cùng chế độ bảo hành 5 năm - thuộc diện cao nhất Việt Nam ở thời điểm đó. Công bố giá bán song đại diện hãng khi ấy cho biết, đây là những sản phẩm chưa đủ hoàn thiện để sẵn sàng ra mắt thị trường.
Sau giai đoạn đầu tư mạnh mẽ từ năm 2006 - 2009, Vinaxuki gặp khủng hoảng, bị yêu cầu bán nhà máy để trả nợ. Đến năm 2015, công ty giải thể.
999 chiếc xe điện VinFast VF 8 đầu tiên xuất khẩu ra thế giới
Tiếp nối giấc mơ ô tô Việt là VinFast, với tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy được khởi công xây dựng tại Hải Phòng tháng 9/2017.
Năm 2018, hãng tạo dấu ấn khi trưng bày mẫu Lux A2.0 và Lux SA2.0 tại Triển lãm Ô tô Paris - 1 trong 5 triển lãm xe lớn nhất thế giới. Trước khi dừng kinh doanh để chuyển hướng sang xe điện, 3 dòng ô tô chạy xăng của VinFast ước đạt tổng doanh số gần 80.000 chiếc ở thị trường Việt. Tháng 3/2021, VinFast VF e34 - mẫu ô tô thuần điện đầu tiên của Việt Nam ra mắt.
Ngày 25/11/2022, VinFast xuất khẩu lô ô tô điện đầu tiên gồm 999 xe VF 8 ra thị trường quốc tế. Sau khi cập cảng California, những chiếc VF 8 đầu tiên đã chính thức được giao tới khách hàng Mỹ tháng 3 vừa qua.
Việt Nam lần đầu tiên tiêu thụ hơn nửa triệu ô tô
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), TC Motor (đơn vị lắp ráp, phân phối xe Hyundai) và VinFast, tổng doanh số ô tô năm 2022 đạt 509.141 chiếc, qua đó đánh dấu lần đầu thị trường Việt tiêu thụ hơn nửa triệu ô tô trong 1 năm.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Toshiyuki Takahara, Tổng giám đốc Suzuki Việt Nam nhận định, đây là cột mốc đầy ấn tượng, đồng thời cho rằng Việt Nam không còn là “thị trường nhỏ”. Thị trường ô tô của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu sử dụng ô tô của người dân cũng sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận