Theo Tổng cục Thống kê, ước tính khoảng 10.000 xe ô tô nguyên chiếc được nhập về Việt Nam với tổng giá trị kim ngạch ước đạt 257 triệu USD trong tháng 1/2023.
Số lượng này chỉ chưa bằng 1 nửa so với lượng xe nhập về tháng 12/2022 (hơn 24 nghìn chiếc), lý do là tháng 1 dương lịch vừa qua có 1 tuần (20 – 26/01/2023) là kỳ nghỉ Tết nguyên đán của Việt Nam.
Tỷ trọng xe nhập khẩu CBU so với xe lắp ráp CKD hiện tại là 3:7 nhưng cách đây 4 năm, tỷ lệ này là 4:6
Đáng chú ý, nếu tháng 12/2022, giá trị đơn chiếc của ô tô nhập khẩu ở mức khá thấp, chỉ đạt 18.640 USD/chiếc (khoảng 440 triệu đồng) thì tháng 1/2023 vừa qua, đơn giá bình quân mỗi chiếc xe nhập khẩu về nước tăng lên khoảng 25.700 USD/chiếc (khoảng hơn 600 triệu đồng).
Trong đó, dòng xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống chiếm ưu thế, chiếm 91,6% về lượng và chiếm 85,1% về kim ngạch nhập khẩu ô tô của cả nước.
Trong cả năm 2022, Việt Nam nhập khẩu 173.467 ô tô các loại, tổng kim ngạch 3,84 tỷ USD. Indonesia và Thái Lan là 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất.
Lượng nhập khẩu từ Indonesia 72.671 xe, trị giá hơn 1,05 tỷ USD; từ Thái Lan là 72.032 xe trị giá 1,43 tỷ USD, xe nhập từ Trung Quốc với 17.340 xe trị giá 714,5 triệu USD.
Nếu so sánh về tỷ lệ xe nhập nguyên chiếc CBU và xe lắp ráp CKD, hiện sản lượng tiêu thụ xe CBU bằng 29,4% so với tổng dung lượng thị trường ô tô Việt Nam năm 2022.
Những năm trước đại dịch (giai đoạn 2018 - 2020), tỷ trọng xe nhập khẩu so với xe lắp ráp là 4:6, nghĩa là cứ 10 xe bán ra thị trường có 4 xe nhập khẩu, 6 xe lắp ráp trong nước.
5 năm qua, tỷ trọng xe nhập khẩu so với xe lắp ráp đã giảm xuống, từ 4:6 hiện còn 3:7; chứng tỏ năng lực lắp ráp ô tô Việt Nam đã được cải thiện.
Minh chứng là hàng loạt thương hiệu mới mẻ như Skoda, Chery công bố lộ trình dịch chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam.
Đồng thời, nhiều nhà máy hiện hữu của Ford, Mercedes, TC Motor được đầu tư bổ sung hàng nghìn tỷ đồng để nâng cao năng lực sản xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận