LNG phù hợp trong vận tải hạng nặng
Để phục vụ nhu cầu năng lượng của con người, một lượng carbon cực lớn đã được thải ra khi những nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá được đốt cháy để cung cấp năng lượng cho ô tô, hộ gia đình và các nhà máy.
Chính vì thế, bên cạnh việc sử dụng các loại năng lượng thân thiện với môi trường (điện, hydro, nhiên liệu sinh học…), việc chuyển đổi sử dụng LNG thay thế cho các nhiên liệu truyền thống như than đá, dầu mỏ đang là xu hướng toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Tại Hội thảo "Khí Thiên Nhiên Hóa Lỏng (LNG): Thúc đẩy Sự Phát triển Bền vững của Việt Nam" mới đây, đại diện Công ty nghiên cứu và tư vấn thị trường năng lượng Wood Mackenzie cho biết, nhu cầu về khí đốt của Việt Nam dự kiến tăng trung bình 12% mỗi năm và có thể tăng gấp ba lần vào giữa những năm 2030.
Ông Joshua Ngu, Phó Chủ tịch Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Wood Mackenzie cho biết, ngành điện lực sẽ tiếp tục dẫn đầu trong tiêu thụ khí đốt, với dự báo nhiên liệu này sẽ đóng góp tới 14% tổng sản lượng điện vào năm 2030.
Trong logistics vận tải, LNG cũng là một nguồn nhiên liệu sạch cho tàu vận tải, sản xuất ra lượng lưu huỳnh và chất thải rắn đáng kể ít hơn so với dầu DO truyền thống. Các tàu chạy bằng LNG cũng yên tĩnh và tiết kiệm nhiên liệu hơn so với các tàu truyền thống. Với sự thúc đẩy toàn cầu về vận tải bền vững, nhiều công ty đang chuyển sang sử dụng LNG như một cách để tuân thủ các quy định và giảm thiểu tác động môi trường.
Trên thế giới, nhiều quốc gia, nhà sản xuất cũng đã đẩy mạnh việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh trong lĩnh vực vận tải. Như hãng xe Volkswagen đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh bằng cách thuê thêm hai tàu vận chuyển ô tô chạy bằng LNG, nâng tổng số tàu chạy bằng LNG của Volkswagen lên 6 chiếc, nhằm thay thế các tàu chạy bằng diesel truyền thống.
Ấn Độ cũng dự định chuyển đổi một phần ba số xe tải hạng nặng đường dài từ sử dụng dầu diesel sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong vòng 5-7 năm tới để giảm ô nhiễm.
Trung Quốc đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng xe tải chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), dẫn đến giảm nhu cầu dầu diesel đường bộ hơn 8%.
Nhu cầu tăng cao dẫn đến nguy cơ tăng giá
Nghiên cứu của Wood Mackenzie cho thấy, Việt Nam chỉ đang tiếp xúc với thị trường khí LNG mua và giao ngay, chưa ký bất kỳ hợp đồng mua bán LNG dài hạn nào.
"Thiếu hụt trong nguồn cung khí LNG theo hợp đồng, cùng với nguồn tài nguyên trong nước ngày càng cạn kiệt, làm tăng nguy cơ biến động giá ở Việt Nam cũng như nguy cơ mất điện hoặc phân phối khí đốt trong tương lai," ông Raghav Mathur, Chuyên gia Nghiên cứu và Phân tích lĩnh vực Khí đốt & LNG của Wood Mackenzie cho biết. "Sự chênh lệch giữa giá điện sản xuất từ khí LNG, các hợp đồng mua bán điện, các dự án điện khí LNG chưa có nhiều tiến triển đã và đang trở thành những trở ngại đáng kể đối với việc ký kết hợp đồng LNG tại Việt Nam".
Wood Mackenzie cho biết, việc phát triển cơ sở hạ tầng khí đốt mới sẽ giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt. Mạng lưới đường ống chính của Việt Nam hiện tập trung ở khu vực phía Nam. Hai kho cảng khí LNG đã được xây dựng ở miền Nam Việt Nam, với cảng LNG Thị Vải đã hoạt động và cảng Hải Linh dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 9 năm 2024. Một số công trình kho cảng LNG khác đang ở giai đoạn nghiên cứu tính khả thi và dự kiến có thể đi vào hoạt động vào đầu những năm 2030.
Theo phân tích của Wood Mackenzie, Việt Nam nên phát triển thêm quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp có khả năng đáp ứng yêu cầu của quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận