Nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc tập trung xe xăng
Hiện nay, các hãng ô tô Trung Quốc được nhắc tới với thế mạnh là ô tô điện. Nhưng tại thị trường Việt Nam, ngoài BYD, Wuling thì đa số các hãng ô tô Trung Quốc mới hoặc đã gia nhập thị trường phần lớn vẫn đang chọn xe động cơ đốt trong là sản phẩm chủ lực.
Điển hình như thương hiệu GAC đã mắt thị trường với màn chào sân bằng hai mẫu xe GS8 (xe gầm cao 7 chỗ) và M8 (xe đa dụng cỡ lớn), đều sử dụng động cơ xăng 2.0 lít tăng áp.
Tại Triển lãm ô tô Việt Nam (VMS) 2024, GAC cũng giới thiệu một mẫu xe mới có tên gọi M6 Pro, thuộc phân khúc xe đa dụng cạnh tranh với các mẫu giá rẻ như Toyota Veloz Cross hay Mitsubishi Xpander dù kích thước lớn hơn. Đáng chú ý, mẫu xe cũng sẽ chỉ sử dụng động cơ xăng dung tích 1.5 lít tăng áp, cho công suất tối đa 174 mã lực đi kèm hộp số ly hợp kép 7 cấp.
Hay như MG, dù đã ra mắt mẫu xe điện MG4 và trưng bày hàng loạt ô tô điện tại VMS 2024 song mẫu xe dự kiến bán của thương hiệu này thời gian tới lại là một mẫu MPV động cơ xăng, cụ thể là MG G50.
MG G50 sử dụng động cơ xăng tăng áp 1.5 lít, cho công suất tối đa 168 mã lực đi kèm hộp số ly hợp kép 7 cấp ướt.
Trước MG G50, hãng này cũng đã ra mắt mẫu xe máy xăng khác là MG7 cạnh tranh ở phân khúc sedan hạng D với các mẫu xe như Toyota Camry, Honda Accord hay Mazda 6, KIA K5.
Ngoài hai thương hiệu kể trên còn có Lynk & Co cũng mới được bán ra tại Việt Nam được khoảng gần một năm trở lại đây. Dù có tới 5 mẫu xe song tới bốn mẫu sử dụng động cơ xăng thông thường với dung tích từ 1.5 - 2.0L. Chỉ duy nhất mẫu Lynk & Co 09 sử dụng công nghệ điện hóa song cũng chỉ là loại mild-hybrid.
Mới đây nhất, Omoda & Jaecoo Việt Nam cũng đã thông báo chính thức mở bán, nhận đặt hàng trước với mẫu xe Omoda C5 sau một thời gian dài thăm dò thị trường. Đây cũng không phải một mẫu xe điện hóa mà sử dụng động cơ xăng tăng áp 1.5 lít, cho công suất tối đa 145 mã lực.
Tính đến hiện tại, có khoảng 8 thương hiệu ô tô Trung Quốc hiện đang được phân phối chính hãng tại Việt Nam. Trong đó có bốn thương hiệu bán chủ yếu xe xăng (MG, GAC, Lynk & Co và Omoda & Jaecoo), ba hãng kinh doanh thuần xe điện (BYD, Wuling và Aion).
Làm xe xăng chờ hạ tầng xe điện
Theo ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco) - doanh nghiệp đang phân phối xe MG tại Việt Nam, thương hiệu xe MG vừa sản xuất xe xăng và xe điện và xác định 95% tại Việt Nam là xe xăng vì chưa đủ hạ tầng trạm sạc. Họ vào thị trường với câu chuyện rất phù hợp và cũng rất thực dụng, có mẫu xe họ tập trung ra mắt để bán và có mẫu xe để giới thiệu về công nghệ, sản phẩm khẳng định họ có thể làm tốt, họ không cần bán chỉ trưng bày.
Tương tự, một cựu trưởng phòng marketing một hãng xe tại Việt Nam cũng cho rằng, chỉ có Lynk & Co được xem là trường hợp đặc biệt do thương hiệu này không có ô tô điện. Các hãng xe Trung Quốc còn lại đều có sản phẩm xe điện nhưng chưa đẩy mạnh bán xe điện tại Việt Nam.
"Việc nhiều hãng ô tô Trung Quốc lựa chọn kinh doanh tập trung xe xăng trước hiện nay cũng là điều dễ hiểu bởi chưa thể phát triển hạ tầng trạm sạc, phục vụ cho việc bán xe. Họ sẽ có xu hướng chờ trạm sạc phát triển hoặc các chính sách thuận lợi, khi đó mới tập trung vào các sản phẩm ô tô điện.
Hiện ở Trung Quốc, ô tô điện đang phát triển mạnh dẫn đến xe xăng của các thương hiệu nội địa không còn được ưa chuộng như trước. Vì vậy, việc xuất khẩu hay bán tại Việt Nam có thể là hướng đi để mở rộng thị trường cho loại xe này.
Các công nghệ xe xăng của Trung Quốc đã phát triển nhiều năm, thời gian khấu hao đã rất dài. Vì vậy đến hiện nay, các mẫu xe xăng của Trung Quốc có thể có giá bán rẻ, dễ cạnh tranh trên thị trường. Điều này tạo ra lợi thế về giá cho xe xăng của Trung Quốc", vị này nói thêm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận