Tờ Nikkei Asia đã tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến hôm 7/2/2020 thu hút 124 doanh nghiệp Nhật Bản ở Trung Quốc tham gia trả lời, về tình hình sản xuất hiện tại và mức độ sẵn sàng sản xuất trở lại.
Có 87,1% người được hỏi (tương đương 108 công ty) cho biết đã đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động của Trung Quốc, 43,8% cho biết họ sẽ bắt đầu lại sớm nhất là vào thứ hai ngày 10/2/2020.
Cuộc khảo sát của Nikkei cho thấy chưa đến một nửa các doanh nghiệp Nhật Bản có khả năng nối lại sản xuất vào tuần tới, cho thấy "cơn ớn lạnh" của dịch virus Corona.
Trong năm 2019, Trung Quốc xuất khẩu hàng chục tỷ USD linh kiện phụ tùng ô tô ra thế giới.
5 trung tâm sản xuất ô tô hàng đầu thế giới đều nhập khẩu linh kiện phụ tùng từ Trung Quốc với kim ngạch rất lớn, như Mỹ (8,8 tỷ USD), Nhật (2,9 tỷ USD), Đức (1,5 tỷ USD), Mexico (1,9 tỷ USD), Hàn Quốc (1,2 tỷ USD).
Những quốc gia được xem là trung tâm sản xuất xe hơi tầm khu vực, cũng nhập cảng linh kiện từ Trung Quốc, như Nga (0,9 tỷ USD), Canada (0,9 tỷ USD), Anh quốc (0,7 tỷ USD), Ấn Độ (0,7 tỷ USD), Thái Lan (0,9 tỷ USD), Brazil (0,6 tỷ USD)...
Với danh sách trên, sức ảnh hưởng của nguồn cung linh kiện phụ tùng từ Trung Quốc là vô cùng lớn, khiến nhiều nhà sản xuất bắt đầu lo ngại, dù chưa đến mức độ hoang mang.
Toyota Motor cho biết họ đang tìm kiếm các nhà sản xuất linh kiện phụ tùng bên ngoài Trung Quốc, để dự phòng tình huống xấu nhất. Cả Toyota và Honda Motor đều phải đóng cửa hàng loạt nhà máy cho đến hết ngày 16/2/2020.
Nhà sản xuất vòng bi NSK nói rằng họ sẽ tiếp tục hoạt động, nhưng chỉ mở cửa các nhà máy sau khi xác nhận an toàn cho công nhân, được coi là "ưu tiên cao nhất".
Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi Nhật Bản cho biết, vào đầu tuần tới sẽ bắt đầu xem xét các phương án nguồn cung thay thế.
Trong số 80 công ty trả lời khảo sát của Nikkei về kế hoạch sản xuất thay thế, 17 đơn vị cho biết có thể chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang các quốc gia và khu vực khác.
Đơn cử, Nitto Denko đang xem xét việc chuyển nhà máy sản xuất nguyên liệu thép ô tô sang khu vực Nam Á, trong khi công ty Rohm sẽ tìm kiếm nguồn cung mới từ Thái Lan, Malaysia, Philippines nếu các nhà máy ở Trung Quốc phải ngừng hoạt động kéo dài.
Một số sản phẩm nhiệt luyện từ gang đúc của DMG Mori sẽ được chuyển về sản xuất tại Nhật thay vì Trung Quốc, mặc dù DMG Mori thừa nhận động thái này sẽ đẩy chi phí tăng lên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận