Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong tháng 1/2019, doanh số bán hàng của các thành viên VAMA đạt 33.484 xe, bao gồm 27.396 xe du lịch; 5.755 xe thương mại và 333 xe chuyên dụng. Cũng trong tháng đầu tiên năm 2019, sản lượng của xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 18.799 xe, giảm 12% so với tháng trước. Ở chiều ngược lại, lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc đã bán ra là 14.685 xe, tăng 14% so với tháng trước.
Tổng doanh số bán hàng toàn thị trường trong tháng 1/2018 tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng xe ô tô du lịch 47%, xe thương mại giảm tới 23% và lượng xe chuyên dụng tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, doanh số bán hàng của xe du lịch lắp ráp trong nước cũng giảm 10% trong khi số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng tới hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy ngay tháng đầu tiên của năm 2019 đã ghi dấu sự lên ngôi của những mẫu xe nhập khẩu, đặc biệt là Honda CR-V. Mẫu crosover nhập khẩu của Honda đạt doanh số kỷ lục 2.812 xe và đứng đầu trong số 10 ô tô bán chạy nhất tháng. Đây cũng là doanh số lớn nhất kể từ khi mẫu xe này được bán ra tại thị trường Việt Nam.
Ngoài Honda CR-V, một mẫu xe khác cũng đạt doanh số đặc biệt ấn tượng là Mitsubishi Xpander. Mẫu MPV của Mitsubishi bán ra gần 1.300 xe chỉ trong tháng 1/2019. Đây là lần đầu tiên có một mẫu xe vượt qua doanh số của Toyota Innova trong phân khúc MPV tại thị trường Việt Nam.
Không chỉ 2 mẫu xe kể trên nhiều mẫu xe nhập khẩu khác như: Ford Ranger, Toyota Wigo, Rush... cũng đều đang có doanh số rất tốt ngay đầu năm 2019. Nếu nhìn khách quan hơn, doanh số của các mẫu xe nhập khẩu này còn có thể tăng cao hơn nữa nếu nguồn cung ổn định hơn.
Việc các mẫu xe nhập khẩu tăng trưởng mạnh mẽ ngay đầu năm 2019 phần nào tạo sức ép lên các mẫu xe lắp ráp trong nước như: Mazda CX-5, Hyundai Tucson, Toyota Innova. Để tạo điều kiện cho các mẫu xe lắp ráp trong nước đủ sức cạnh tranh với xe nhập khẩu, Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ tính toán phương án thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng ô tô. Theo đó, "giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô dưới 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước sẽ là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước”. Theo nhận định, nếu chính sách này được áp dụng, giá thành xe ô tô sản xuất trong nước sẽ giảm đáng kể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận